Đà Nẵng: Phát huy vai trò của MTTQ trong công tác hiệp thương

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác hiệp thương của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Đà Nẵng nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và được luật hóa thành một quy trình gồm 5 bước khá chặt chẽ.

MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tham gia vào 6 nội dung của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tham gia vào 6 nội dung của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Phát huy vai trò MTTQ trong công tác bầu cử

Theo báo cáo của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, tổng số người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là 13 người thuộc 8 cơ quan tổ chức và đơn vị, trong đó Trung ương giới thiệu 2 người, thành phố giới thiệu 10 người, 1 người tự ứng cử. Về danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa X có tổng số người ứng cử là 105 người thuộc 52 cơ quan, tổ chức, đơn vị của 9 khối. Trong đó có 104 người được giới thiệu, 1 người tự ứng cử.

Sau khi Hội nghị hiệp thương lần 2 kết thúc, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến nơi cư trú, công tác đối với người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 -2026; hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến nơi công tác đối với người tự ứng cử HĐND TP Đà Nẵng khóa X nhiệm kỳ 2021 -2026, thời gian từ ngày 21-3 đến ngày 13-4-2021.

Theo ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, các tổ chức thành viên và đại diện Mặt trận 7 quận, huyện phát huy tốt vai trò của mình tham gia góp ý vào việc lập danh sách sơ bộ người ứng cử cũng như kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử, nơi công tác đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, làm cơ sở cho Ban Thường trực MTTQ thành phố tiếp tục triển khai các nội dung tiếp theo theo luật định.

Ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng là một trong 3 thành viên chủ trì Hội nghị hiệp thương lần thứ 2

Thông qua giám sát, MTTQ Việt Nam thành phố góp phần vào công tác chuẩn bị, tuyên truyền và thông tin đầy đủ đến người dân, nhất là công tác lập danh sách người ứng cử, gợi ý các nội dung đầy đủ để người dân thấy được người mà mình dự kiến bầu để gửi gắm niềm tin; đồng thời cũng nắm được rõ chương trình hành động của người ứng cử để khi cầm lá phiếu của mình, cử tri sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất.

“Chúng ta thực hiện tốt trách nhiệm và quyền hạn của mình trong các hội nghị hiệp thương chính là góp phần lựa chọn các ứng cử viên có đủ đức, đủ tài đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong nhiệm kỳ mới”, ông Ngô Xuân Thắng nói.

Kỳ vọng về đại biểu trong nhiệm kỳ tới

Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là tập trung cho công tác tuyên truyền, giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại cuộc giao ban đầu tiên của quý 1, MTTQ quận Liên Chiểu đã triển khai đến MTTQ 5 phường và 131 Ban công tác Mặt trận khu dân cư về công tác bầu cử sắp đến.

Tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có khoảng 12.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, cùng hơn 14.000 công nhân đang tạm trú tại phường, xấp xỉ tương đương với dân số thường trú của phường. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, lập danh sách cử tri đi bầu cử luôn được các cấp lãnh đạo phường đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai từ rất sớm.

Pano tuyên truyền bầu cử trên tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), hiện phường gấp rút triển khai lập danh sách cử tri tại các tổ dân phố.

“Đối với các đối tượng tạm trú trên địa bàn phường như công nhân, sinh viên..., MTTQ phường cùng các tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác Mặt trận gặp gỡ và yêu cầu người dân cam kết đi bỏ phiếu, người dân có thể bỏ phiếu ngay tại địa phương hoặc chọn bỏ phiếu tại nơi thường trú để tránh tình trạng 1 người đi bỏ phiếu nhiều lần. Đối với 4 đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn phường, địa phương cũng đã trao đổi, làm việc, các đơn vị này sẽ chủ động lập danh sách cử tri đi bầu, cử tri tại đơn vị nào sẽ bỏ phiếu ngay tại đơn vị đó”, ông Trung cho biết.

Là một công dân cũng như là một cử tri, theo ông Phạm Văn Xê (65 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động thực hiện các bước hiệp thương nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bầu cử có liên quan. Đây là việc làm rất cần thiết, nhằm giúp cử tri nắm chắc hơn thể thức bầu cử và quá trình hoạt động của từng ứng cử viên, từ đó lựa chọn những người đủ tài, đủ đức thay mặt cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước (là Quốc hội) và cơ quan quyền lực của địa phương (là HĐND).

Các đại biểu giơ tay tán thành ý kiến
“Các đại biểu được ứng cử và tự ứng cử là những người đã có quá trình công tác lâu dài, có kinh nghiệm, trình độ, gần gũi, sâu sát cơ sở và cử tri, từ đó phản ánh tâm tự, nguyện vọng của nhân dân tới những cơ quan có thẩm quyền”, ông Phạm Văn Xê cho hay.

Để người dân thực sự làm chủ lá phiếu, bầu ra những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình, công tác chuẩn bị, tổ chức của các cấp từ thành phố đến cơ sở phải thật công phu, cẩn thận, chu đáo và có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục