Làm mới sản phẩm, cách thức mua hàng
Là đơn vị có sản phẩm đạt các chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX công nghệ cao Mặt trời Việt (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bánh từ tảo xoắn.
Cũng giống như các sản phẩm OCOP khác, dù đạt chất lượng cao, thực tế sản phẩm còn chưa đến được nhiều với người tiêu dùng. Vì vậy, hợp tác xã có ý định xây dựng điểm bán hàng OCOP, vừa kết nối tiêu thụ vừa xây dựng điểm bán quà tặng lưu niệm tại TP Đà Nẵng.
Còn đối với công ty TNHH Mắm Hồng Hương (nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mang đến nhiều sản phẩm mới ở các phân khúc khác nhau. Cùng với đó, đơn vị đã triển khai chương trình khuyến mại giảm giá 50.000 đồng/1 thùng 6 chai.
Cũng được công nhận là sản phẩm OCOP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hoàng Giang, chủ cơ sở Trà Gừng Tâm Nguyên (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết, đơn vị dành nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng...
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Thực tế cho thấy, mặc dù các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương đã được công nhận về chất lượng và được nhiều cửa hàng thực phẩm đón nhận nhưng rất ít sản phẩm vào hệ thống bán lẻ lớn.
Ông Lê Quang Thanh, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, đơn vị luôn ưu tiên đưa những mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng của các địa phương vào hệ thống các siêu thị của Co.opmart trên toàn quốc. Song, các sản phẩm OCOP thường thiếu một số yếu tố như: hồ sơ sản phẩm không đầy đủ, mẫu mã/bao bì chưa bắt mắt, chưa bảo đảm quy trình bảo quản thực phẩm…
Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại - Sở Công thương Đà Nẵng, tính đến nay TP Đà Nẵng có 9 sản phẩm thương mại đặc trưng và 18 sản phẩm OCOP. Tất cả đều bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được bình chọn trong các chương trình như sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP.
Do dịch bệnh, các đơn vị sản xuất – thương mại tại TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là các đơn vị sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng. Giao thương trực tuyến là kênh xúc tiến thương mại phù hợp hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, dần ổn định phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng cho hay, Hiệp hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử với hơn 1.000 doanh nghiệp đã có mặt trên sàn. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, sàn thương mại điện tử cũng đã phát huy được vai trò trong việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.
Sắp tới đây, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phát triển thương mại điện tử trên các sàn online.