Đảm bảo chính xác và bảo mật thông tin trong tổng điều tra dân số và nhà ở

Vào 0 giờ ngày 1-4, cả nước bước vào cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (tổng điều tra), dự kiến kết thúc chậm nhất vào ngày 25-4-2019. 
Ông Nguyễn Bích Lâm
Ông Nguyễn Bích Lâm

Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất được Tổng cục Thống kê thực hiện theo quy trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc và là cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 do Tổng cục Thống kê tiến hành.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm (ảnh) đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh quy mô, mục đích cũng như cách thức tiến hành cuộc điều tra này.

Phóng viên: Thưa ông, điều có thể thấy ngay là kết quả của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vừa phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, vừa là căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Một mục đích nữa từng được ông đề cập đến là điều tra này sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số, phục vụ cho các mục đích khác của công tác thống kê để hướng tới năm 2029 và về sau sẽ không tiến hành tổng điều tra theo cách thức truyền thống. Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?

Tổng cục trưởng NGUYỄN BÍCH LÂM: Thông tin từ tổng điều tra dân số và nhà ở rất quan trọng, cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là phục vụ yêu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong đánh giá tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển đất nước. Vì vậy, thông tin từ tổng điều tra tới đây cần tiếp tục được thu thập và công bố với tần suất hàng năm thay vì 10 năm thực hiện một lần.

Tuy nhiên, phương pháp thực hiện tổng điều tra theo cách truyền thống như hiện nay đã không còn phù hợp và phải cải tiến theo hướng tận dụng kho dữ liệu hành chính được số hóa (đặc biệt là hệ thống đăng ký hộ tịch cùng với dữ liệu hành chính từ các hệ thống của ngành công an và ngành y tế) nhằm giảm gánh nặng cho người cung cấp thông tin, giảm gánh nặng tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

- Như vậy, cách thức tiến hành tổng điều tra cụ thể sẽ như thế nào, và có gì khác biệt so với cuộc tổng điều tra cách đây 10 năm, thưa ông?

* Tổng điều tra năm 2019 sẽ thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu: phiếu điều tra toàn bộ và phiếu điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi xoay quanh các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở của hộ. Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn và mẫu được tiến hành trên khoảng 10% dân số cả nước, với 65 câu hỏi bổ sung các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ để thu thập các thông tin đánh giá chuyên sâu về chất lượng dân số.

Tổng điều tra năm 2019 có nhiều điểm khác biệt so với các kỳ tổng điều tra trước đây. Điểm khác biệt lớn là ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn tiến hành tổng điều tra. Chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin, sau đó ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Trong một số trường hợp, điều tra viên có thể sử dụng phiếu giấy để điền thông tin. Tổng điều tra cũng sử dụng phiếu trực tuyến (còn gọi là webform) để hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và tình hình nhà ở của hộ.

- Với quy mô rất lớn, dự kiến lên tới trên 94 triệu dân tại 26 triệu hộ, địa bàn trải rộng khắp cả nước, gồm cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển, cơ quan thống kê có giải pháp nào để đảm bảo cuộc tổng điều tra sẽ thành công, đảm bảo tính chính xác, khách quan?

* Đúng là cuộc tổng điều tra này có phạm vi và quy mô lớn, huy động lực lượng điều tra viên lên tới trên 100.000 người. Như đã trao đổi, Tổng cục Thống kê đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin tổng điều tra. Nhưng quả thực, đây cũng là một thách thức, khi mà hạ tầng công nghệ thông tin của ngành thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận nhiều lượt truy cập, truyền gửi thông tin cùng một lúc, đảm bảo tính ổn định của đường truyền, bảo mật thông tin… Bên cạnh đó, trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, các nguồn lực để thực hiện tổng điều tra cũng phải tính toán rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban và ban chỉ đạo các cấp đã được thành lập, nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan. Trong đó, Bộ Công an là một trong 3 bộ thực hiện tổng điều tra theo kế hoạch riêng cùng với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc tổng điều tra trên phạm vi cả nước. Do vậy, tổng điều tra năm 2019 được đảm bảo an toàn cả về dữ liệu cũng như cho lực lượng tham gia tổng điều tra.

- Trong cuộc tổng điều tra lần này, các hộ có thể đăng ký tự cung cấp thông tin trực tuyến. Ông có thể giải thích rõ hơn về hình thức này?

* Trong giai đoạn lập danh sách các hộ dân cư vào tháng 12-2018, người lập danh sách đến từng hộ và hỏi hộ có đăng ký tự cung cấp thông tin trực tuyến hay không để thực hiện việc đăng ký. Hộ dân cư tự đăng ký trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra: http://tongdieutradanso.vn đến ngày 27-3-2019. Sau đó, hệ thống sẽ gửi tin nhắn/thư điện tử để cung cấp tài khoản cho các hộ đăng nhập hệ thống từ ngày 31-3-2019 để hộ tự cung cấp thông tin trực tuyến. Nếu hết ngày 7-4-2019 hộ chưa hoàn thành cung cấp thông tin trên trang thông tin của tổng điều tra thì điều tra viên sẽ được cử đến hộ để phỏng vấn và thu thập thông tin.

- Nhìn chung, điều thường khiến người được điều tra lo ngại là vấn đề bảo mật thông tin. Làm sao để giải tỏa mối lo ngại chính đáng này?

* Điều 57 Luật Thống kê đã nêu rất cụ thể về các loại thông tin thống kê Nhà nước phải được giữ bí mật, trong đó bao gồm “thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác”. Như vậy, thông tin cá nhân mà người dân cung cấp trong tổng điều tra chỉ được dùng để tổng hợp chung vào dân số của các cấp xã, huyện và cấp tỉnh chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

- Bao giờ thì kết quả tổng điều tra được công bố, thưa ông?

* Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được công bố vào tháng 7-2019; kết quả điều tra mẫu vào quý 4-2019 và kết quả điều tra toàn bộ vào quý 2-2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề sẽ có vào quý 4-2020.

- Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục