“Đánh thức” tiềm năng các di tích huyện Hòa Vang

Mang những giá trị to lớn về nhiều mặt nhưng nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) được đánh giá là "khiêm tốn", chưa tương xứng với tiềm năng.
Một đoàn xe du lịch đến tham quan Công viên văn hóa khu chiến tích Gò Hà
Một đoàn xe du lịch đến tham quan Công viên văn hóa khu chiến tích Gò Hà

Địa chỉ đỏ Gò Hà

Tại cứ điểm Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), nơi đánh dấu sự trưởng thành của Tiểu đoàn bộ binh 1 “R20”. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà, cũng như Khu 5, lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ trong công sự tương đối vững chắc, có trang bị vũ khí hiện đại. Mới đây, khu di tích này đã được đầu tư trở thành công viên văn hóa khu chiến tích Gò Hà.

Từng dẫn vài đoàn học sinh đến di tích này, theo bà Thi Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Minh Phát, học sinh vẫn là đối tượng du khách khá đặc biệt. Người dẫn dắt cảm xúc ở những di tích này ngoài thuyết minh viên thì còn có nhân chứng lịch sử và thân nhân với những câu chuyện chiến tranh tham gia, chứng kiến. Bởi vậy, không chỉ các em học sinh ở địa phương khác mà cả học sinh ở tại xã như trường THCS Đỗ Thúc Tịnh mỗi lần ghé thăm đều là mỗi lần rung động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, người tham gia trận đánh Gò Hà cách đây gần 58 năm về trước và là người trực tiếp giới thiệu về di tích Gò Hà

Ông Nguyễn Thanh Tùng, người tham gia trận đánh Gò Hà cách đây gần 58 năm về trước và là người trực tiếp giới thiệu về di tích Gò Hà

Theo bà Đinh Thị Thúy Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương, năm 2022, ngoài khánh thành công trình công viên văn hóa khu chiến tích Gò Hà, khu vực này cũng đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như trồng cây xanh nhân kỷ niệm ngày giải phóng hoàn thành miền Nam thống nhất đất nước; tổ chức đêm văn nghệ “Những năm tháng không quên” kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ… Đây là nền tảng, cơ hội để các thế hệ chưa trải qua chiến tranh cảm nhận thấu hiểu các giá trị lịch sử để có sự giác ngộ và mục tiêu, lý tưởng cách mạng thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới, tạo nên bản lĩnh sẵn sàng vượt qua những khó khăn.

“Từ sau Tết Nguyên đán 2023, địa điểm chiến thắng Gò Hà đã đón 6.000 học sinh trong và ngoài thành phố. Dự kiến từ đây đến hết tháng 3-2023, chúng tôi đón thêm 2000 học sinh nữa. Bình quân, mỗi tuần chúng tôi đón từ 1-2 đoàn. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả tại di tích Gò Hà vẫn có hạn chế nếu đoàn quy mô lớn”, bà Hương thông tin.

Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang, hiện có 33 di tích đã xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp thành phố. Về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng các đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích. Việc tổ chức các hoạt động gắn với không gian di tích được quan tâm, định kỳ hằng năm.

Lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Tuy nhiên, ông Tô Văn Hùng cũng nhìn nhận, một số điểm di tích sau trùng tu tôn tạo chưa trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn liền với cộng đồng hay điểm du lịch. Việc kêu gọi, vận động xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích chưa thật sự thu hút tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản… thì các lễ hội dân gian khác còn đơn điệu, chưa được phát triển về quy mô, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí và đối tượng tham gia còn hạn hẹp.

Tăng sức hấp dẫn, độc đáo cho di tích

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng nhìn nhận, muốn gìn giữ giá trị một di tích thì cần quan tâm, lưu giữ văn hóa làng, hoạt động lễ hội truyền thống gắn với di tích đó. Xét cho cùng, văn hóa là nội sinh. Để phát huy hiệu quả, trước hết cơ chế chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác nguồn lực, phát huy giá trị xung quanh nhằm phục vụ cho việc bảo tồn di tích. Sở VH-TT TP Đà Nẵng có nhiệm vụ bảo tồn yếu tố gốc đối với công trình, di tích đã được công nhận. UBND huyện cần cắm mốc quy hoạch và tính toán phương án thiết kế để phân bổ, quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các giá trị di tích phải gắn với văn hóa làng

Các giá trị di tích phải gắn với văn hóa làng

“Mỗi xã cần làm điểm, tiêu biểu một di tích ưu tiên nguồn lực về đầu tư tôn tạo, quy hoạch đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, hạ tầng, dịch vụ, lễ hội để phục vụ khách, góp phần “nuôi” công trình khác. Sau đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư những công trình khác ở địa bàn hoặc khu vực lân cận”, ông Xử đề xuất.

Không chỉ vậy, theo ông Tán Văn Vương, PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng, cần kết nối các di tích với các loại hình du lịch khác để tạo thành những cụm/điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp gắn với văn hóa, lịch sử, những chương trình tour hấp dẫn. Điển hình như, chương trình tour du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục trải nghiệm: “Một ngày làm nông dân” tại Cụm Túy Loan, Cụm Thái Lai... gắn với tham quan các di tích tại khu vực lân cận; chương trình tour du lịch đường thuỷ kết nối bến Tuý Loan – Bến Thái Lai; “Một ngày trải nghiệm cuộc sống của người Cơ Tu” gắn với tham quan di tích tại Hòa Phú, Hòa Bắc;… Đồng thời, chú trọng khai thác đối tượng khách là học sinh – sinh viên, người dân địa phương thông qua việc mở các hoạt động tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu di tích vào chương trình giáo dục ngoại khóa của các trường, chương trình giáo dục truyền thống cách mạng, dã ngoại cuối tuần..

Liên kết thành tour, tuyến mới để tạo sức hút điểm đến như cụm Thái Lai

Liên kết thành tour, tuyến mới để tạo sức hút điểm đến như cụm Thái Lai

Đặc biệt, đào tạo, hình thành và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm, người dân tham gia phục vụ khách; nghiên cứu những câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn với di tích để tạo ra những bài thuyết minh đủ sức hấp dẫn du khách, cũng như truyền tải được những thông điệp ý nghĩa về văn hóa, lịch sử địa phương.

Nhấn mạnh về phương thức truyền tải, theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, không chỉ thuyết minh viên mà giáo viên cũng sẽ là người truyền cảm hứng. Các trường học không ngừng cập nhật mô hình hay để các em tiếp nhận thông tin về di tích một cách hiệu quả. Bên cạnh việc biên soạn nội dung phù hợp cho học sinh từng cấp, ông Vương đề nghị, huyện nên tổ chức Cuộc thi xây dựng các clip, bài viết, hình ảnh quảng bá về các di tích hằng năm. Thông qua đó, học sinh sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng về các di tích lịch sử, cách mạng của địa phương; xây dựng các clip, bài viết, tranh ảnh giới thiệu về di tích, tuyên truyền rộng rãi trên các trang website, các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, giới thiệu.

Tổng quan về di tích Hòa Vang. Nguồn: Huyện ủy Hòa Vang sản xuất năm 2023

Theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTTDL, thực tế khi các di tích được xếp hạng, đưa vào danh mục thì cơ bản được bảo hộ dưới pháp luật nên quản lý tốt hơn. Ngoài quy định chính sách về pháp luật, để bảo vệ, phát huy hiệu quả của di tích, trước mắt địa phương phải có những giải pháp bảo vệ những yếu tố gốc của di tích. Tiếp theo, địa phương phối hợp đơn vị liên quan cần có những sản phẩm khác đồng hành, hỗ trợ cho di tích để phục vụ cho người dân, du khách bởi không phải di tích nào cũng “tự nuôi sống” được.

“Các di tích tự nuôi được thì chỉ có những ngôi chùa lớn, nổi tiếng, các đền phủ thờ mẫu,… thu hút đông đảo người dân đến tham quan, viếng, dâng hương, …hằng năm. Tuy vậy có những di tích kiến trúc rất đẹp nhưng không thể nào giữ lượng người dân, du khách nhất định. Nếu bán vé thì càng khó thu hút đối tượng bình dân mà chỉ có những nhà nghiên cứu”, ông Thành nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục