Đầu tư công nghệ giảm phát thải

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ 21. Nguyên nhân chính của BĐKH là do phát thải khí nhà kính (KNK). Để ngăn chặn tác động xấu nhất của BĐKH, việc khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ và sáng kiến khoa học để góp phần giảm phát thải CO2 ra môi trường là hết sức cấp thiết.

Nhiều lợi ích

Trước yêu cầu khắt khe về tiêu chí môi trường của các tổ chức, thị trường thế giới, hiện nay, nhiều DN Việt Nam đang chủ động đầu tư công nghệ, giải pháp khoa học để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Trần Nguyễn Nghi, Phó ban quan hệ công chúng, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, cho biết để giảm phát thải CO2 ra môi trường, Hòa Phát đã áp dụng giải pháp thu hồi nhiệt khí thải trong quá trình sản xuất để phát điện, tái sử dụng cho các khu liên hợp sản xuất gang thép của tập đoàn tại Hải Dương và Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.

Đây là giải pháp sản xuất thép thân thiện môi trường, giúp Thép Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép tư nhân đầu tiên của Việt Nam được vay vốn ODA của Nhật Bản để triển khai giai đoạn 2 Nhà máy luyện than coke và điện nhiệt dư. Tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, công nghệ thu hồi nhiệt luyện than coke, khí than để phát điện đã giúp tiết kiệm chi phí 70%, tương đương trên 800 tỷ đồng trong năm 2020.

Đầu tư công nghệ giảm phát thải ảnh 1 Thực hiện giảm phát thải CO2 trong sản xuất thép sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và môi trường. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2021, Thép Hòa Phát Hải Dương đầu tư một số hạng mục nhằm tận dụng tối đa nguồn nhiệt, khí phát sinh trong luyện gang thép, nâng công suất phát điện lên 110MW, tiến tới tự chủ 100% nguồn điện sản xuất. Tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhờ công nghệ hiện đại hơn, quy mô sản xuất lớn hơn nên hiệu suất thu hồi nhiệt, phát điện cao hơn. Công suất phát điện hiện tại là 240MW, tự chủ khoảng 80% nhu cầu điện.

Trong tương lai, Hòa Phát Dung Quất sẽ đầu tư thêm nhằm tự chủ 100% điện sản xuất. Chi phí tiết kiệm nhờ giải pháp đầu tư thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi khoảng 4.000 tỷ đồng. Với quy mô công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, việc áp dụng giải pháp trên góp phần tiết kiệm rất lớn chi phí hàng năm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường tốt hơn. Đây cũng là cách tạo ra sản phẩm xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Xây dựng bền vững Công ty Xi măng INSEE Việt Nam, cho biết thời gian qua, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thải CO2 trong quá trình sản xuất cũng như hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tại các nhà máy của công ty đã lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại nhất. Đặc biệt có thể kể đến hệ thống lọc bụi túi. Giải pháp này giúp lượng phát thải bụi tại ống khói chính lò nung clinker của nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang) vào khoảng 10mg/Nm3, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn Việt Nam (QCVN 41:2011) là 100mg/Nm3.

Nhiều năm nay, INSEE luôn tối ưu hóa hệ số clinker để tạo ra những dòng sản phẩm có phát thải thấp nhất. Bằng cách sử dụng tro bay và xỉ thép để thay thế clinker trong sản xuất xi măng, INSEE đã kiểm soát đáng kể thành phần clinker trong công thức xi măng của mình. Ngoài ra, việc sử dụng các thành phần khoáng chất lượng cao như đá pozzolana, rác thải công nghiệp đã được xử lý giúp sử dụng hiệu quả hơn các nguyên liệu thô không tái tạo (đá vôi) và giảm lượng khí thải cacbon ít nhất 25% so với mỗi tấn xi măng thông thường được sản xuất, đồng thời làm tăng chất lượng, độ bền và chống ăn mòn.

Đặc biệt lò nung clinker của INSEE được thiết kế có thể xử lý chất thải (rắn và lỏng) mà vẫn đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường. Với nhiệt độ lò đạt gần 2.000oC, thời gian lưu cháy dài, rác thải hoàn toàn tiêu hủy. Năng lượng nhiệt thu hồi và các khoáng chất sẽ được trộn lẫn cùng clinker. Không có tàn dư nào sót lại, trái ngược hoàn toàn với các lò đốt rác thải thông thường là tạo ra 30% tro bay cần phải xử lý thêm. Trong nhiều năm, công nghệ đồng xử lý trong lò nung xi măng của INSEE đã được phát triển như một quy trình hiệu quả, thân thiện môi trường giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm lượng CO2 từ các nhà máy, đồng nghĩa với giảm chôn lấp rác thải.

Trong quá trình xử lý rác thải, công ty cũng đã đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt. Hệ thống này đã đáp ứng nhu cầu điện năng của nhà máy, gián tiếp giảm thiểu khoảng 25.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương việc sử dụng 9.300 tấn than. Ông Dũng cũng cho biết thêm, hầu hết danh mục sản phẩm của INSEE đều đạt được chứng nhận nhãn xanh của Hội đồng công trình Xanh Singapore. Nếu tất cả công ty xi măng Việt Nam đạt tiêu chuẩn Nhãn xanh, chúng ta có thể giảm phát thải ít nhất 17 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Xu hướng tất yếu

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) cho biết, Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để hình thành Thị trường mua bán tín chỉ cacbon. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% KNK bằng nguồn lực trong nước và 27% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030. Đây là vấn đề bắt buộc và chúng ta không thể lùi bước.

Do vậy, các DN cần chủ động tính toán xây dựng lộ trình kiểm kê và cắt giảm KNK. Các DN, địa phương, Chính phủ khi thực hiện cắt giảm KNK sẽ tạo ra tín chỉ cacbon. Các tín chỉ này, sau quá trình thẩm định có thể giao dịch thương mại. Các DN, địa phương hoặc quốc gia khác có nhu cầu giảm phát thải KNK có thể mua tín chỉ cacbon. Đây là tiền đề quan trọng để kêu gọi các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh thực hiện giảm phát thải cacbon ra môi trường.

Trên thế giới đã có nhiều DN, quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng định giá cacbon trên cơ sở điều tiết của chính phủ. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ thị trường mua bán tín chỉ cacbon trên thế giới đã đạt mốc 45 tỷ USD, quản lý trên 12 tỷ tấn cacbon, tương đương 22,3% tổng lượng khí phát thải toàn cầu.

Có thể thấy, sự chủ động của các DN như Hòa Phát, Xi măng INSEE Việt Nam... trong việc cắt giảm KNK sẽ góp phần tạo thuận lợi, tiền đề nhất định định để Chính phủ Việt Nam xây dựng thành công thị trường mua bán tín chỉ cacbon thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục