Để F0 yên tâm điều trị tại nhà: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Với số ca mắc Covid-19 (F0) liên tục tăng cao mỗi ngày, các bệnh viện trở nên quá tải buộc TPHCM phải thực hiện cách ly tại nhà đối với những người mắc bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ trong công tác hướng dẫn, tư vấn và chăm sóc y tế cho người dân khiến họ phải tự “xoay xở” giữa dịch bệnh.
Nhân viên Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM đang phân thuốc cung cấp bệnh nhân F0 tại địa phương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân viên Trạm Y tế phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM đang phân thuốc cung cấp bệnh nhân F0 tại địa phương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tự thân vận động

Anh Nguyễn Tú Tiến (35 tuổi, sống trong một xóm trọ thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12) cho biết, ngày 12-8, 4 người trong gia đình anh thực hiện test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi có kết quả, anh báo với y tế địa phương nhưng không có ai đến hỗ trợ. Sau đó một ngày, một gia đình khác trong xóm trọ cũng dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù ngay sau đó, Trạm y tế phường Thạnh Xuân đã xuống lấy mẫu xét nghiệm cho cả xóm trọ, nhưng 2 hộ gia đình đã dương tính trước đó không hề nhận được hướng dẫn nào từ cán bộ y tế. “Cả gia đình tôi đều có dấu hiệu sốt cao, ho nhưng không ai hướng dẫn chúng tôi phải làm gì. Tôi đành phải tự tìm hiểu các cách phòng bệnh, điều trị từ các hội nhóm trên mạng và mua thuốc về uống”, anh Tiến cho hay. Điều mà anh lo ngại nhất là mẹ vợ anh đã cao tuổi, lại mắc chứng rối loạn tiền đình từ trước, nếu không may trở nặng thì không biết xử lý ra sao. 

Tương tự, anh Khánh (ngụ đường Tùng Thiện Vương, quận 8) cũng đã phải mất 5 giờ tìm kiếm bệnh viện điều trị cho mẹ anh - một bệnh nhân Covid-19 tại nhà không may trở nặng. Anh Khánh kể: khi mẹ bắt đầu suy hô hấp, gia đình đã gọi cấp cứu 115 đưa đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh -  thuộc tầng 3 điều trị Covid-19, nhưng bệnh viện không thể sắp xếp được giường bệnh. Xe cấp cứu buộc phải quay đầu về Bệnh viện Quận 8, nhưng nơi đây cũng đang trong tình trạng quá tải. Sau khi rà soát danh sách, xe cấp cứu đưa mẹ anh Khánh đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp nhưng nơi đây cũng không thể tiếp nhận. Sau hơn 5 giờ tìm kiếm và di chuyển, cuối cùng mẹ anh Khánh mới được Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 đồng ý tiếp nhận. “Chưa bao giờ con đường đến với cánh cửa bệnh viện lại gian nan như thế”, anh Khánh cảm thán. 

Thống kê đến nay TPHCM có hơn 41.000 F0 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Thực tế, thời gian qua, người dân rất khó tìm đến các cơ sở y tế trên địa bàn để được cấp cứu, điều trị bởi các bệnh viện đều quá tải. Họ buộc phải ở nhà tự mua thuốc điều trị cũng như cậy nhờ sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trong cộng đồng. 

Nguồn: Sở Y tế TPHCM - Đồ họa: NGỌC TRÂM


Phải hỗ trợ F0 kịp thời 

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM còn diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều người dân tự đến các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 để khám và điều trị nhưng bệnh viện từ chối tiếp nhận. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám, chữa bệnh và xét nghiệm tầm soát Covid-19 kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng do người bệnh phải di chuyển nhiều nơi, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại bệnh viện. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương khám, đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, tuyệt đối không làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh, thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19. “Tùy tình trạng người bệnh và kết quả xét nghiệm tầm soát Covid-19 mà quyết định việc hướng dẫn người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà, hay chuyển vào bệnh viện để được cách ly điều trị, hoặc chuyển tuyến điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh. Chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, đảm bảo không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ cho những F0 tự cách ly tại nhà trong các tình huống khẩn cấp, UBND TPHCM đã có văn bản giao các quận, huyện, TP Thủ Đức thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, lực lượng công an, đoàn thanh niên... Mỗi khi có F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng, cần cấp cứu, các đội phản ứng nhanh sẽ kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc, chuyển viện nếu cần thiết. 

Mới đây, mô hình “túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” được trao đến từng người dân cách ly tại nhà trên địa bàn một số phường của quận Tân Bình đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Trong mỗi túi thuốc có đầy đủ các loại thuốc thiết yếu như Paracetamol 500mg, Acetylcystein, MultiVitamin, nước súc họng, nước muối 0.9% (Natri Clorid 0,9%), viên C sủi Uscadimin C1g và khẩu trang.... Đây là những loại thuốc dựa trên danh mục thuốc theo công văn của Bộ Y tế ban hành. Những túi thuốc yêu thương ấy vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp các trường hợp F0 sớm khỏi bệnh, vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà. Sở Y tế TPHCM có văn bản hướng dẫn người mắc Covid-19 cách ly tại nhà cần chuẩn bị các thuốc thiết yếu, gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền). Sở Y tế cũng chỉ định sử dụng một số thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp, chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bắt đầu từ 16-8, TPHCM triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà (home-based care). Các trường hợp F0 đều được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, được cung cấp túi thuốc an sinh, bao gồm: thuốc đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch; đồng thời được hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, F0 sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế để tự theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế. “Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

TPHCM sắp xếp lại 3 tầng điều trị Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện nay thành phố đã phân lại các tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 5 tầng thành 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và các khu cách ly tập trung quận, huyện, TP Thủ Đức chuyên tiếp nhận các bệnh nhân không triệu chứng, không bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định. Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện chuyển đổi công năng, bệnh viện tách đôi chuyên tiếp nhận các trường hợp cần cấp cứu, điều trị có các triệu chứng bệnh nhẹ, trung bình, có các bệnh lý đi kèm. Tầng 3 là các trung tâm hồi sức chuyên sâu chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.

- Anh HỒ VĂN HƯNG (ngụ quận 8, TPHCM): Tôi là F0 và đang bị cách ly tại nhà, vậy tôi cần làm gì trong trường hợp này?

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TPHCM (HCDC): F0 cách ly tại nhà tuyệt đối không được ra khỏi nhà trong suốt thời gian giám sát y tế; tự theo dõi nhiệt độ mỗi ngày, nếu có lo lắng và bất thường thì liên lạc với nhân viên y tế. Để tăng sức đề kháng nhằm giúp bệnh mau khỏi, F0 cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động tập thể dục điều độ tại phòng. Bảo đảm vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt. Phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh bề mặt xung quanh nơi người bệnh ở. Nhân viên y tế sẽ liên hệ với F0 để lấy mẫu xét nghiệm lại và quyết định khi nào được kết thúc thời gian giám sát y tế tại nhà. Khi cần tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bản thân hoặc người thân trong gia đình, gọi tổng đài “1022” để được hỗ trợ. Trường hợp cần được hướng dẫn các thủ tục cách ly, hoặc hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, truy cập wesbite của HCDC.

------------------------------


Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục