Để ngày nào cũng là 8-3

Từ nhiều năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 đã trở thành ngày hội lớn ở nước ta. Trong ngày này, không chỉ phụ nữ thấy hân hoan, hạnh phúc, mà cả nam giới và trẻ em cũng đầm ấm hơn với niềm vui của họ. 
Để ngày nào cũng là 8-3

Hình như trong ngày này, cả nam và nữ đều cảm thấy mình đẹp hơn, dễ thương hơn và muốn sống tốt hơn. “Giá mà ngày nào cũng là ngày 8-3”, nhiều phụ nữ vẫn nói vui như vậy. Trong lời nói vui đó có ẩn chứa chút bùi ngùi, vì họ có những ngày khác trong năm không ấm áp như thế.

Trong bối cảnh gia đình và xã hội Việt Nam hiện nay, dù luật pháp rất tôn trọng bình đẳng giới, nhưng những ước lệ xã hội, những lề thói hủ lậu và những quan niệm hẹp hòi vẫn còn khiến nhiều phụ nữ mệt mỏi và thiệt thòi.

Đến bây giờ, tại nhiều gia đình vẫn thấy cảnh khi đi làm hay đi học về, chồng và con trai thư thả nghỉ ngơi, giải trí; còn mẹ và con gái lại phải tất bật lo cơm nước, rửa chén, giặt quần áo và lo bao nhiêu việc không tên khác.

Mà được vậy cũng đã là hay, bởi không ít ông chồng sau giờ làm còn la cà quán xá; ở các vùng nông thôn, nông nhàn, nhiều ông chồng mới 8 giờ sáng đã tụ tập nhậu nhẹt đến tối mịt mới về, say xỉn lại đánh con, mắng vợ. Nạn bạo hành thể xác và tinh thần đối với phụ nữ vẫn diễn ra trong nhiều gia đình.

Trong thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong nước đã xảy ra rất nhiều vụ phụ nữ bị quấy rối, xâm hại tình dục, bị tống tiền, cưỡng bức, thậm chí giết hại dã man. Kẻ có hành vi tồi tệ như vậy nhiều khi lại chính là những người đàn ông mà họ có quan hệ tình cảm, chỉ vì người phụ nữ không chịu đựng nổi và muốn chia tay.

Không phải vì trong ngày tôn vinh phụ nữ mà nói xấu đàn ông Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng gia đình văn hóa, đang có rất nhiều gia đình hạnh phúc, vợ chồng tương kính, yêu thương, tổ chức cuộc sống gia đình nền nếp.

Song, thực tế vẫn còn có nhiều người đàn ông ích kỷ, thiếu tôn trọng phụ nữ, có cách nghĩ, cách nhìn và hành động xúc phạm phụ nữ. Khi yêu nhau và khi cưới rồi thì mặc nhiên xem người phụ nữ phải lệ thuộc mình.

Phụ nữ khao khát được thấu hiểu, sẻ chia, nhưng nhiều ông chồng rất vô tâm, thờ ơ, xem việc nói lời âu yếm hay cử chỉ ân cần là điều thừa thãi.

Có nhiều phụ nữ gặp hoàn cảnh như vậy, dù là trí thức, là cán bộ, nhưng cũng đành nhẫn nhịn, cay đắng chịu đựng, không dám ly hôn, do lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình và không đành để con cái côi cút.

Thêm vào đó, nhận thức từ cộng đồng về bình đẳng giới vẫn chưa đủ để bênh vực phụ nữ, nên những phản kháng của phụ nữ thường chỉ xuất hiện khi sự việc đã đến mức khó cứu vãn.

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII năm 2017 đã đề ra phương châm “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu cho mọi hoạt động của tổ chức hội”, đây là một định hướng rất thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội.

Cách nghĩ phụ nữ là phái yếu đã rất lạc hậu. Bản thân mỗi phụ nữ cần ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Tin cùng chuyên mục