Đề xuất bổ sung số lượng, vị trí được phong Tướng trong Công an nhân dân

Dự án luật có nội dung liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn; bổ sung số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong Công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
Toàn cảnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo chương trình nghị sự phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (sau đây gọi chung là Chương trình) trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Theo Tờ trình số 53/TTr-CP vừa được Chính phủ gửi đến UBTVQH, để đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2022 và năm 2023, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022 đối với 11 dự án.

Đáng lưu ý, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 3 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp).

Dự luật này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo đó rút ngắn khoảng cách về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an so với tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu, công tác; bổ sung số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong Công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.

Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình cho ý kiến được bổ sung tới 8 dự án luật, gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Như vậy, ngoài 2 dự án, dự thảo đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và với việc bổ sung như đã nêu ở trên, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 22 dự án, tăng 10 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Tin cùng chuyên mục