Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới, vượt tầm kiểm soát. Hiện có 156 nước và vùng lãnh thổ với gần 170.000 trường hợp mắc Covid-19. Do đó, cần triển khai các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Đề nghị các đơn vị rà soát kỹ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các đối tượng phải cách ly y tế bắt buộc khi vào Việt Nam; Tiến hành đo thân nhiệt, phân luồng người nhập cảnh ngay khi xuống máy bay.
Đối với người nước ngoài, cần điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận.
Đối với công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, cần nhanh chóng giải phóng người tập trung ở sân bay để sớm đưa về khu cách ly tập trung theo quy định.
Tại Việt Nam, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang kiểm soát nhưng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp để phát hiện càng sớm càng tốt. Do đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện nhanh nhất người mắc bệnh; triển khai thực hiện hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc, khai báo y tế tự nguyện toàn dân; phân loại các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, những người già, người có bệnh nền. Tiếp tục đẩy mạnh sàng lọc, phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị, dập dịch tại chỗ; phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ.
Nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, các thành viên Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế có khuyến cáo yêu cầu các phường, xã phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt việc sàng lọc, phát hiện, cách ly tại cộng đồng để chống dịch; chủ trì chống dịch là Bí thư, Chủ tịch phường, xã, nòng cốt tham mưu là 3 lực lượng gồm: công an, y tế và đội hỗ trợ công nghệ thông tin gồm: Nhân viên bưu điện, Viettel, VNPT nhằm bám sát tình hình trên địa bàn, phân nhóm người dân theo tình trạng sức khoẻ; Có giải pháp hỗ trợ thăm khám, chăm sóc tại chỗ với đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, có tiền sử bệnh, tuổi cao sức yếu dễ bị lây nhiễm, và khi nhiễm dễ bị tình trạng nặng.
Về chi phí xét nghiệm, điều trị Covid- 19, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chỉ rõ chi phí xét nghiệm đối với các trường hợp cách ly do cán bộ y tế chỉ định xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả, đối với người không thuộc đối tượng cách ly, có nhu cầu xét nghiệm phải tự chi trả. Đối với chi phí điều trị, người không có thẻ BHYT do ngân sách nhà nước chi trả, người có BHYT do BHYT chi trả theo quy định, phần còn lại do ngân sách nhà nước chi trả.
Đối với người nước ngoài, kể từ ngày 16-3-2020 chỉ được miễn phí xét nghiệm lần đầu, trong quá trình điều trị phải tự trả tiền.
Cùng ngày, Bộ Y tế tiếp tục thông tin về quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam. Theo đó, ngoài 16 người đã được chữa khỏi, ra viện (bao gồm cả những bệnh nhân nước ngoài), cả nước còn hơn 40 bệnh nhân mới phát hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế, hầu hết các bệnh nhân đang được kiểm soát tốt diễn tiến lâm sàng.
Tuy nhiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang có 2 trường hợp bệnh nhân diễn tiến nặng hơn. Cụ thể là một bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp đã được đặt thở máy, lọc máu. Và một nữ bệnh nhân người Việt, 64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, sau khi bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp tăng đã được đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch và chuyển bệnh nhân tới Khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị.
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cả 2 bệnh nhân nặng này vẫn giữ được mạch, huyết áp, oxy máu ổn định và đang được điều trị tích cực.