Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM:

Điện ảnh Việt cần đột phá tầm quốc tế

Nhiều năm nay, nhà nước đã xóa bỏ công ty phát hành phim và chiếu bóng. Thực tế, đây từng là nguồn thu rất lớn cho nhà nước và hiện nay cũng vậy. Xã hội hóa là tốt, để hoạt động chiếu phim sôi nổi, phong phú, đa dạng hơn. Nhưng mặt trái là gì?
Điện ảnh Việt một năm qua hoạt động khá sôi nổi, phim ra rạp thường xuyên và đã có phim đạt doanh thu “khủng”. Nhưng phía sau bề nổi ấy, vẫn là những ưu tư của những người nặng lòng với điện ảnh nước nhà: về đội ngũ làm nghề, về sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện ảnh... Năm mới đến, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với bà Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM (ảnh, bìa phải), xung quanh những vấn đề của điện ảnh Việt Nam.
° PHÓNG VIÊN: Bà đánh giá thế nào về phim Việt Nam trong năm 2017?
° Bà DƯƠNG CẨM THÚY: Số lượng phim truyện chiếu rạp ngày càng nhiều, đề tài phong phú, đa dạng nên khán giả có nhiều chọn lựa để xem. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 tổ chức tại Đà Nẵng vừa rồi, so với những năm trước, chất lượng phim được nâng lên rõ rệt. Các đạo diễn đã tìm tòi cách thức thể hiện mới lạ, tiếp cận với điện ảnh nước ngoài, sao cho hấp dẫn khán giả bằng hình ảnh đẹp, được hỗ trợ thêm bởi những yếu tố kỹ thuật như: âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo để thu hút người xem.
Điện ảnh Việt cần đột phá tầm quốc tế ảnh 1 Bà Dương Cẩm Thúy
° Còn với những yếu kém, theo bà nguyên nhân nằm ở đâu?
° Các tác giả chú trọng nhu cầu giải trí bình thường mà bỏ qua tác dụng giáo dục, giá trị thẩm mỹ hay bản sắc văn hóa Việt. Có những bộ phim rất hay, nhưng khán giả và người làm nghề đều nhận xét là câu chuyện không phải của Việt Nam.
Nguyên nhân do năng lực, tay nghề người làm phim chưa cao; tư tưởng chưa thật vững và bị chi phối bởi áp lực kinh tế. Có đạo diễn không tìm tòi, sáng tạo một tác phẩm của riêng mình mà bắt chước theo những khuôn mẫu, hoặc những bộ phim của nước ngoài. Nhưng nguyên nhân chính là chúng ta đang thiếu trầm trọng một đội ngũ tay nghề cao, tài năng, vì chúng ta không chủ động đào tạo đội ngũ này.
"Điện ảnh là một ngành nghệ thuật tốn tiền nhưng cũng là một nguồn lợi nhuận. Phải có quy hoạch và định hướng phát triển cho ngành điện ảnh những năm tới. Bởi, trong bối cảnh mới, điện ảnh muốn phát triển phải có những chuyển đổi phù hợp với xu hướng và quy luật khách quan để đề cao giá trị tốt đẹp của đất nước, con người và dân tộc Việt Nam; vừa phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh. Hơn nữa, phải tính đến việc các tác phẩm điện ảnh nước ta phải xuất khẩu ra nước ngoài, trở thành một sản phẩm giải trí mang tầm quốc tế
Bà DƯƠNG CẨM THÚY"
Thời gian qua có một số đạo diễn Việt kiều từ nước ngoài về đã làm phim rất tốt. Vì sao vậy? Một phần là do họ được đào tạo bài bản. Đội ngũ làm phim của chúng ta hiện nay, kể cả điện ảnh và truyền hình vừa thiếu, vừa yếu. Số lượng đạo diễn đào tạo từ trường ra đã ít, không phải ai cũng có thể làm đạo diễn được, chưa nói trở thành đạo diễn giỏi.
So với yêu cầu làm phim hiện nay thì số đạo diễn hiện có vẫn chưa đủ. Các đạo diễn - nhất là những đạo diễn có tên tuổi, thương hiệu - có thể phải làm nhiều phim một lúc, không có thời gian để tái tạo chất xám, tăng cường vốn sống, kinh nghiệm làm phim…
Đội ngũ làm phim cũng thiếu rất trầm trọng, phải mời người mẫu, ca sĩ đóng phim. Đạo diễn phải sử dụng lực lượng có sẵn của những ngành nghệ thuật khác và không đủ thời gian để chỉ đạo diễn xuất.
° Theo bà, vậy để nâng cao chất lượng điện ảnh nước nhà, ta phải làm gì và cần khắc phục điểm nào?
° Với đội ngũ làm phim thiếu và yếu như hiện nay, nếu không tạo những bước đột phá lớn thì những phim sắp tới xuất xưởng cũng giống như hiện nay thôi, sẽ không có phim đặc biệt xuất sắc. Và ta cũng không thể tiếp cận được với điện ảnh thế giới.
Trong kế hoạch phát triển điện ảnh TPHCM, Hội Điện ảnh đề nghị phải có kế hoạch đào tạo cấp bách đội ngũ làm phim. Hơn 3 năm trôi qua, không thấy triển khai kế hoạch này. Trước nhất là cần rà soát lại đội ngũ làm nghề rồi có kế hoạch đào tạo các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, họa sĩ hóa trang, diễn viên, chuyên gia kỹ thuật công nghệ, nhà lý luận phê bình, nhà sản xuất phim, nhà phát hành phim.
Các nhà quản lý điện ảnh cần được đào tạo chuyên sâu, có đủ trình độ và năng lực phát triển nền điện ảnh Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn. TP có thể dành một quỹ cho các bạn trẻ làm phim thể nghiệm. Làm phim nhiều thì tay nghề sẽ được nâng lên.
° Trong tình hình phát hành phim còn nhiều rối rắm và xảy ra nhiều tranh chấp như hiện nay, hội có ý kiến gì để bảo vệ những nhà sản xuất, nhà phát hành phim Việt Nam?
° Nhiều năm nay, nhà nước đã xóa bỏ công ty phát hành phim và chiếu bóng. Thực tế, đây từng là nguồn thu rất lớn cho nhà nước và hiện nay cũng vậy. Xã hội hóa là tốt, để hoạt động chiếu phim sôi nổi, phong phú, đa dạng hơn. Nhưng mặt trái là gì?
Hiện nay thị trường điện ảnh thành phố gần như đang nằm trong tay tư nhân, nhà nước hầu như không còn nắm rạp chiếu. Những phim Việt Nam phục vụ cho những yêu cầu chính trị, xã hội không có nơi chiếu. Bà con ngoại thành vẫn “đói” phim.
Rạp chiếu bây giờ tiện nghi hiện đại, nhưng với giá vé đó thì người lao động, sinh viên nghèo, công chức… có thể đi xem phim được không? Và nhà nước cũng buông lỏng việc quản lý thị trường phát hành, chiếu bóng. Rạp chiếu do nhà nước quản lý, nhiều rạp đã bị thay đổi công năng, đưa vào sử dụng mục đích khác hay bỏ hoang phế. Số rạp còn lại bị áp lực về mặt doanh thu, chỉ tiêu. Bởi vậy phim Việt Nam bị đẩy ra khỏi rạp sau vài buổi chiếu nếu không ăn khách.
Thành phố 10 triệu dân, với số rạp chiếu như vậy là chưa đủ và chủ yếu tập trung ở các quận trung tâm; các huyện ngoại thành không có rạp chiếu. Trong văn học nghệ thuật nói chung và trong điện ảnh nói riêng, có những việc phải được xã hội hóa, nhưng có những việc, nhà nước vẫn phải đảm nhiệm.
Trong đó có việc đặt hàng, sản xuất những bộ phim (từ nguồn thu của phát hành phim và chiếu bóng); điều hành, quản lý công tác phát hành phim; tổ chức các sự kiện của điện ảnh của quốc gia...
Điện ảnh Việt cần đột phá tầm quốc tế ảnh 2 Cảnh trong phim Cô gái đến từ hôm qua (chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) 
° Bà hy vọng gì với điện ảnh Việt Nam trong năm mới?
° Dù muốn hay không, điện ảnh vẫn cứ phải và sẽ phát triển. Nhu cầu xem phim là không thể thiếu được. Nhiều năm nay, phim điện ảnh chiếu rạp đã trở lại chiếm lĩnh thị trường. Và cũng vài năm gần đây, phim của các hãng phim nhà nước không được sản xuất, vắng bóng ở các cuộc thi. Điều đó chứng tỏ việc xã hội hóa điện ảnh cũng có tác dụng tốt, nhưng cũng có những mặt trái, không tốt.
Chúng ta vẫn cần những bộ phim để thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đối ngoại hay để tham dự các liên hoan phim quốc gia, quốc tế; những bộ phim lịch sử thuần chất Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam chưa trở thành sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa. Chợ phim, liên hoan phim của thế giới, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa để lại dấu ấn gì.
Quy hoạch giúp cho điện ảnh phát triển toàn diện, cân đối và phát huy tối đa nguồn lực trong nước và nước ngoài; nhà nước và nhân dân; các thành phần kinh tế. Do vậy, công việc đầu tiên phải làm là xây dựng đề án phát triển, bao gồm cả các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, trang thiết bị, đội ngũ làm nghề, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành và việc thu hồi kinh phí…
Từ năm 2014, Hội Điện ảnh TPHCM đã cùng Sở VH-TT hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện ảnh thành phố, nhưng đến nay chưa thấy được duyệt. Việc xây dựng cho được một phim trường cho việc làm phim là một mơ ước, nhưng cho đến nay vẫn ngoài tầm với. Việc xây dựng phim trường nên đề ra trên bàn nghị sự, vì có lợi nhiều mặt và giao cho các nhà chuyên môn thực hiện sớm.

Tin cùng chuyên mục