Doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản

Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do DNNN trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Sáng 25-5, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). 

Không tính nợ DNNN vào nợ công

Theo Chính phủ, sau 7 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước.

Đó là: huy động vốn trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010  -2016 đạt hơn 1.277.000 tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân 36%/năm), đảm bảo cân đối ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục; giai đoạn 2010 - 2016, tổng trị giá cam kết ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân đạt gần 32,8 tỷ USD để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; giai đoạn 2010 - 2016, tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 632.800 tỷ đồng; công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ trong và ngoài nước của Chính phủ được đảm bảo trong giới hạn an toàn mà Quốc hội phê duyệt (đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách)…

Tuy vậy, sau 7 năm, luật đã bộc lộ một số bất cập như: chưa có phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản ảnh 1 Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do DN trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Ảnh minh họa:  Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Điểm quan trọng, xuyên suốt là dự thảo đã quy định chặt chẽ, gắn trách nhiệm trong quản lý, điều hành nợ công trong bối cảnh hiện nay đang trở nên cấp bách để cải thiện bức tranh nợ công hiện nay.

Trong đó, dự thảo đã bổ sung 4 điều mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán hàng năm về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay của các chương trình, dự án và quản lý nợ công, báo cáo Quốc hội; thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm, kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về giám sát, sử dụng nợ công để đảm bảo việc huy động, phân bổ, sử dụng nợ công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.

Về cho vay lại, dự thảo đã quy định chặt chẽ hơn điều kiện này, bao gồm: tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong 3 năm liền kề; nợ quá hạn không quá 5%; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; tổng mức dư nợ vay lại chịu rủi ro tín dụng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu thực có của từng tổ chức tài chính - tín dụng tại thời điểm xem xét cho vay lại; được ít nhất 1 trong số các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như Standard and Poor’s, Moody’s, Fitch) xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn 1 bậc so với xếp hạng tín nhiệm quốc gia…

Một trong những điểm dư luận quan tâm lâu nay là nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tính vào nợ công hay không.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, chỉ tính nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của DN; hoạt động thu, chi của DNNN được kết cấu trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp các DN mất khả năng trả nợ.

Đối với Việt Nam, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong nợ công theo quy định của luật (tính trong nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh).

Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả, DNNN là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các DN khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hoạt động thu chi không gắn với dự toán ngân sách. Các nhiệm vụ được Nhà nước giao sẽ thực hiện thông qua đặt hàng hoặc tính vào giá, phí.

Ngoài ra, công tác huy động, sử dụng vốn vay của các DNNN còn chịu quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014.

Trường hợp DNNN gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo đó: “DNNN sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do DN trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh”.

Hơn nữa, trường hợp DNNN gặp khó khăn trả nợ thì xử lý theo quy định của Luật Phá sản, bình đẳng như đối với các DN ngoài quốc doanh khác.

Doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản ảnh 2 Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi trên cao. Ảnh: THÁI HÒA

Cần thống nhất đầu mối quản lý

Theo dự thảo, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành được quy định theo hướng: Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế...

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay... vì quy định như dự thảo luật chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong đó, Nghị quyết 07 yêu cầu phải bảo đảm tập trung thống nhất trong quản lý về nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng “quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn”.

Chính vì vậy, việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trên thực tế khi nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập. Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công.

Tin cùng chuyên mục