Tham dự hội nghị có ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM; ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch JCCH; các doanh nghiệp (DN) thành viên JCCH và lãnh đạo các sở, ban ngành của TP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, tính đến tháng 11-2018, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại TP với 1.247 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỷ USD. So với năm 2017, TP đã có thêm hơn 200 dự án đăng ký mới và hơn 200 triệu USD vốn đầu tư gia tăng từ Nhật Bản.
Hiện JCCH đã có 1.000 thành viên, tăng khoảng 70 thành viên so với năm ngoái. Với việc TP đang triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và mô hình đô thị thông minh, sáng tạo, các DN Nhật Bản đang và sẽ đầu tư vào TP có thêm các điều kiện, cơ chế, và môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết, từ ngày 29-10 đến ngày 1-11, ITPC đã phối hợp với 19 sở, ngành tổ chức 4 phiên họp trù bị với JCCH, thảo luận 17 nội dung liên quan lĩnh vực môi trường - đời sống; 9 nội dung liên quan lĩnh vực pháp luật - lao động; 8 nội dung liên quan đến thuế; 4 nội dung liên quan đến hải quan.
Như vậy, lĩnh vực môi trường - đời sống là nhóm có nhiều vấn đề được DN Nhật Bản quan tâm nhất. Một số vấn đề trong nhóm này được các DN đánh giá đã có cải thiện tốt. Cụ thể, tình hình ùn tắc giao thông do rào chắn thi công được cải thiện; nỗ lực cải thiện ngập nước của TP đã đạt được nhiều thành quả, bảng hướng dẫn tiếng Anh ở khu vực quận 1 đã được cải thiện tốt…
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các sở, ngành giải trình đầy đủ những vấn đề từ phía JCCH đặt ra. Những nội dung vượt quá thẩm quyền, yêu cầu các cơ quan tổng hợp cho UBND TPHCM báo cáo lên các bộ, ngành để phản hồi sớm nhất cho DN. Lãnh đạo TP đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của JCCH với ITPC và các sở, ban ngành TP, mong rằng các DN Nhật Bản sẽ tiếp tục tin tưởng và chọn lựa TPHCM là điểm đến đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.