Hướng đến sản phẩm xanh, tái chế
Vài năm trở lại đây, cụm từ sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế với tiêu chí thân thiện môi trường không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt. Theo đó, khi mua sắm ở những kênh siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra hay Co.op Food, người tiêu dùng sẽ dễ dàng bắt gặp những mặt hàng tiêu dùng dán nhãn xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh như sữa Vinamilk, nhựa Duy Tân, thời trang Phong Phú… Chị Hoàng Thị Hòa (ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ, 2 năm nay, khi mua sắm ở siêu thị chị đều chọn sản phẩm đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe. “Với quần áo tôi mua sản phẩm được sản xuất từ vải tái chế như sợi tre, còn với sản phẩm như sữa, ống hút… tôi cũng tìm mua sản phẩm tiết giảm tối đa sử dụng nhựa”, chị Hòa kể.
Thực tế, để đưa sản phẩm xanh “phủ sóng” thị trường, các doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực rất nhiều, bởi sản phẩm xanh thường có chi phí cao hơn tới 30% so với sản xuất thông thường. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhận định đây là xu thế của thế giới, nếu không làm sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Đơn cử như tại Công ty CP Dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công (TCM) đang có rất nhiều sản phẩm quần áo vải tái chế từ chai nhựa, mía, bắp..., trong đó có sản phẩm 100% tái chế từ vải, chỉ lẫn bo cổ áo. Theo doanh nghiệp này, những quần áo cũ sẽ được doanh nghiệp tái chế để làm ra những chiếc áo mới và xuất đi các thị trường lớn. Bên cạnh các sản phẩm tái chế do doanh nghiệp chủ động thiết kế và sản xuất, có nhiều sản phẩm tái chế do các đối tác lớn từ Mỹ, EU và Nhật Bản đặt hàng doanh nghiệp này sản xuất.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống cũng dần thay thế các sản phẩm tái chế trong sản phẩm của mình. Đại diện Nestlé cho biết, doanh nghiệp này đã chuyển đổi từ ống hút nhựa sang ống hút giấy trên các sản phẩm sữa uống liền dù các loại ống hút giấy này đắt gấp 3 lần so với ống hút nhựa.
Kiên trì chuyển đổi xanh
Theo các chuyên gia, câu chuyện xanh đã trở thành bắt buộc với bất cứ lĩnh vực nào bởi Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và theo cam kết, Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất 0% cho hàng ngoại nhập vào thị trường Việt Nam; các thị trường ngược lại cũng áp dụng tương tự. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại với ưu thế về công nghệ, tài chính đã dịch chuyển theo xu hướng xanh từ trước, do đó sản phẩm của họ không chỉ đa dạng mẫu mã, chất lượng toàn cầu mà còn “hợp xu hướng” khách hàng.
Các chuyên gia khẳng định, để cạnh tranh tại thị trường nội địa, có vị thế khi bước ra thế giới, doanh nghiệp Việt bắt buộc phải sản xuất xanh. Điều đáng mừng là ở hầu hết các ngành hàng từ sữa, thời trang, nhựa, da giày… đã và đang bắt nhịp. Trong đó, ở ngành hàng thời trang, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để sản xuất những sản phẩm dệt may xanh, đáp ứng yêu cầu từ thị trường. Đồng thời, VITAS đã định hướng từ nay đến năm 2030, sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ giai đoạn 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới… Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp đang thúc đẩy những giải pháp mà hiệp hội đã định hướng như tiếp tục đầu tư vào công nghệ, quản trị số và các giải pháp tiết giảm chi phí, thời gian giao hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Còn ở lĩnh vực sản xuất sữa, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết, ngành sữa đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa. Đáng chú ý, bên cạnh việc đầu tư các nhà máy công nghệ hiện đại, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng cao với việc xây dựng các trang trại theo mô hình nông nghiệp bền vững điển hình, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thực hành nông nghiệp tái tạo, sử dụng năng lượng xanh - sạch.
Đặc biệt, không chỉ ngành sản xuất, ngay cả lĩnh vực phân phối, các doanh nghiệp cũng chuyển dịch theo xu thế này. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là một ví dụ. Từ năm 2019, nhà bán lẻ này đã tiên phong loại bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng ống hút giấy, ống hút tre để kinh doanh trên toàn hệ thống. Cùng đó, nhà bán lẻ này cũng bền bỉ thực hiện các hoạt động như “Ngày không túi ni lon”, “Tháng tiêu dùng xanh”… Gần đây nhất, Saigon Co.op đã cùng nhiều nhà bán lẻ khác ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng xanh, bền vững. Theo thỏa thuận, dưới sự định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước, 6 nhà phân phối sẽ đưa ra các nguyên tắc quan trọng để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm không an toàn ngay từ đầu và ở phạm vi nhỏ trong hệ thống phân phối.