Đồng hành thực chất hơn với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn

Trong buổi giám sát tại UBND quận Bình Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến lưu ý nắm bắt kịp thời “sức khỏe” doanh nghiệp và cần khẩn trương, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh - sản xuất, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay.

Chiều 9-8, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại UBND quận Bình Tân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến chủ trì buổi giám sát. Ảnh: VĂN MINH

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến chủ trì buổi giám sát. Ảnh: VĂN MINH

Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 tăng hơn 100%, đạt đỉnh cao nhất từ khi thành lập quận đến nay, cả về số lượng và quy mô. Điều này cho thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19 đã có tác dụng.

Trong đó, cuối năm 2020, trên địa bàn quận có hơn 41.860 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đến nay, quận có hơn 54.300 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Về hỗ trợ vốn, giai đoạn 2022-2023, qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đã có 6.045 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được vay vốn với số tiền hơn 38.273 tỷ đồng.

Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung, doanh nghiệp tạm dừng sản xuất hoặc cắt giảm lao động. Liên quan đến “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay đang rất nhiều khó khăn, sức bật và sự chịu đựng đã đến ngưỡng. Do vậy, chính quyền các cấp cần đồng hành nhiều hơn, thực chất hơn nữa với doanh nghiệp mới có thể vượt qua khó khăn.

Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Nêu một số giải pháp, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết, thời gian tới quận tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn.

Quận tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục hành chính theo thẩm quyền, để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi thêm, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp nhấn mạnh việc tăng cường tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tốt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để tự phát hiện những vấn đề còn thiếu sót để khắc phục từ sớm, từ xa.

Đối với địa bàn rộng, đông dân như quận, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân khẳng định, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số... có ý nghĩa rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt nêu một số giải pháp thời gian tới. Ảnh: VĂN MINH

Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt nêu một số giải pháp thời gian tới. Ảnh: VĂN MINH

Tại buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến lưu ý đến “sức khỏe” doanh nghiệp để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội kinh doanh - sản xuất, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tránh để họ phải nhờ “cò” trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Liên quan đến hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng lưu ý quận Bình Tân tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, nhất là các trường hợp không thuộc, không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.

Tin cùng chuyên mục