Người dân thôn Đông Bình (xã Nhơn Thọ), từ xa xưa đã xây “thành lũy” quanh làng bằng những rặng tre để chống lũ. Đoạn sông An Tượng đi qua ngôi làng này trước đây được bao kín bởi những hàng tre chắc chắn.
Nhưng hôm nay, khi nhắc đến lũ, ông Dương Ngọc Quảng, Trưởng thôn Đông Bình, bức xúc: “Vào năm 2013, khi nghe có doanh nghiệp muốn làm khu du lịch sinh thái, cả làng mừng lắm nên đã nhượng lại 6ha đất cho họ. Thế là họ liền cho máy đào ủi lũy tre chắn bờ đê ngăn lũ bên sông An Tượng. Cũng từ đó đến nay, 250 hộ dân, trên 1.000 nhân khẩu ở hai xóm Quý Viên và Đông Viên (Đông Bình) bị te tua mỗi khi lũ đổ về. Dù nhiều lần họp cử tri, người dân bức xúc đề nghị doanh nghiệp phải khắc phục, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đó. Nguyện vọng bây giờ của hơn 1.000 người dân nơi đây là doanh nghiệp phải khắc phục lại đê kiên cố, đồng thời phải tiến hành thực hiện dự án, không được bỏ hoang nhiều năm như vậy”.
Căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Chánh (70 tuổi, xóm Quý Viên) có đến 4 gian nhà, trong đó 2 gian nhà, tường ngói mới toanh nhưng chỉ để cho… bò ở; còn 2 gian trệt xập xệ thì là nơi ở tránh lũ của đôi vợ chồng lớn tuổi. Ông Chánh thật thà: “Không riêng gì tôi, các chú cứ đi hỏi khắp cái làng này xem, ai nấy cũng phải xây chuồng bò, chuồng heo cao hơn nhà để giữ tài sản của mình. Lận đận cả năm trời được từng ấy, đến khi lũ đổ về thì cuốn trôi sạch vách, nát nhà. Thử hỏi biết kêu ai bây giờ chừ? So với năm 2013 thì cơn lũ 2016 chả là cái gì hết. Nhưng lạ ở chỗ, lũ năm 2016, nước dâng cao đỉnh điểm, cả làng tui thiệt hại ghê gớm nhất; gà, vịt, heo, trâu, bò, thóc lúa… trôi tất tật”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ, tỏ ra lúng túng. Ngay cả khu du lịch sinh thái này tên đầy đủ là gì ông cũng không biết. Ông Hào nói: “Đây chỉ là khu sinh thái của cá nhân bà Lê Thị Sáu (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định). Dự án này theo quy hoạch và cho thuê đất của UBND thị xã An Nhơn, thế nên xã Nhơn Thọ không nắm được (!).
Trong khi đó, ông Tô Hồng Phương, Chánh Văn phòng UBND thị xã An Nhơn, cho biết: “Bà Sáu (tức Lê Thị Sáu) là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Xuân Chiến. Nếu giao đất cho công ty, thì UBND tỉnh mới có thẩm quyền cho thuê đất, thời gian cho thuê lâu hơn. Do đó, UBND thị xã An Nhơn đã chuyển giao đất cho cá nhân bà Lê Thị Sáu thuê, thời hạn 30 năm theo quy định. Tuy nhiên, mới chỉ giới thiệu địa điểm, chấp nhận dự án đầu tư, chứ chưa được các cơ quan cấp phép (!)”.
Phóng viên đặt câu hỏi: “Chưa được cấp phép tại sao bà Sáu đã tự ý cho người ủi phá đê bao?”. Ông Phương thừa nhận như vậy là không đúng và cho biết UBND thị xã đã chỉ đạo bà Sáu khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng, khắc phục lại đoạn đê bao mới cho thuê đất, nếu không sẽ thu hồi chủ trương cho lập thủ tục thuê đất.