Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế và y tế, có tiềm năng nuôi trồng và khai thác. Trong đó, sâm Ngọc Linh là cây dược liệu có giá trị rất cao. Nếu được đầu tư bài bản, từ nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến đến thương mại, sâm Ngọc Linh hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu quốc gia, sánh ngang với các dòng sâm nổi tiếng thế giới như Nhân sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ.

“Việc xây dựng phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam không chỉ giúp nâng cao vị thế ngành dược liệu Việt Nam, mà còn tạo tiền đề để miền Trung - Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu dược liệu hàng đầu khu vực”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo đề án, giai đoạn 2025-2035 tỉnh Quảng Nam duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp, ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế.

Trước năm 2030, Quảng Nam hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực Trung tâm công nghiệp dược liệu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ đã trải qua một quá trình để làm ra đề án. Quảng Nam cần có kế hoạch triển khai, tổ chức hiện thực hóa cụ thể đề án vì đây chỉ là bước khởi đầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đề án này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp dược liệu của Việt Nam nói chung, của Quảng Nam và các tỉnh lân cận nói riêng; đồng thời tin tưởng, với quyết tâm của tỉnh Quảng Nam và sự đồng hành của Chính phủ sẽ biến đề án này thành hiện thực, đưa Quảng Nam trở thành một trung tâm công nghiệp dược liệu, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển dược liệu là một trong những mũi nhọn đột phá để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế - xã hội vùng núi, vùng kinh tế khó khăn. Để triển khai hiệu quả các mục tiêu tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Quảng Nam sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết “nút thắt” về cơ chế, chính sách.

Trong khuôn khổ lễ công bố, tỉnh Quảng Nam đã ký kết các bản ghi nhớ và thỏa thuận nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án với 8 đơn vị, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.