Gặp vị tướng phá cổng Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy năm 1975

Chiếc xe tăng 980 cùng những người lính dũng cảm đã trở thành biểu tượng cho một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ký ức hào hùng

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi được gặp Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên 1975 khi ông về thăm lại chiến trường ở Đắk Lắk. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng là người điều khiển chiếc xe tăng mang số hiệu 980, tông sập cổng Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy, để quân ta tấn công bắt sống Tỉnh trưởng Đắk Lắk, làm nên chiến thắng vang dội trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975.

z6527710849535_b560894edbf5cecbe50fa84fbe4d0439.jpg
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp

Ngồi bên tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lần đầu tiết lộ về chiếc xe tăng số hiệu 980 – một “chiến thần” gắn bó với ông trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa.

Ngược dòng ký ức, vị tướng già nhớ lại, năm đó, ông là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3). Chiếc xe tăng số hiệu 980 là một trong những xe tăng hiện đại nhất lúc bấy giờ do Liên Xô sản xuất và được Đại đội ông tiếp nhận tại tỉnh Lạng Sơn. Khi đó, ông Đoàn Sinh Hưởng được giao nhiệm vụ là trưởng xe và 3 đồng đội hỗ trợ gồm: lái xe là ông Mai Đình Mỹ (quê ở tỉnh Nam Hà nay là tỉnh Nam Định); pháo 1 là ông Phan Lạc Vinh (quê tỉnh Phú Thọ) và pháo 2 là ông Nông Văn Vĩnh (quê ở tỉnh Cao Bằng).

3.jpg
Hình ảnh xe tăng của Đại đội 9 tấn công vào Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể, ngày 17-1-1975, Trung đoàn Tăng Thiết Giáp 273 của đơn vị ông được lệnh hành quân di chuyển đội hình xuống phía Nam Tây Nguyên. Đại đội 9 của ông trong đội hình Trung đoàn bí mật tập kết ở Buôn Gia Wầm, cách Buôn Ma Thuột 40km về phía Bắc, sẵn sàng tiến công giải phóng mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột.

"Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới, chúng tôi tổ chức cho từng kíp xe tăng luyện tập kỹ và quyết tâm bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác", Trung tướng Hưởng nhớ lại.

Tại vị trí tập kết, ông Hưởng sáng kiến gia cố thêm 10 viên đạn pháo cho mỗi xe tăng, nâng tổng số đạn từ 34 lên 54 viên, đồng thời bổ sung 10 viên cho mỗi xe thiết giáp K-63 nhằm tăng khả năng tác chiến.

Rạng sáng 10-3-1975, nhận lệnh tiến công, Đại đội 9 do ông chỉ huy gồm 10 xe tăng T-54B, 10 xe K-63 tiến vào Buôn Ma Thuột qua cửa mở gần khu vực kho Mai Hắc Đế. Lô cốt của địch dày đặc bắn trả đã khiến nhiều chiến sĩ bộ binh hy sinh. “Đồng đội của tôi xông lên rồi ngã xuống, nhưng vẫn không ngừng chiến đấu”, ông nói, giọng nghẹn lại.

Trong trận chiến, pháo 2 Nông Văn Vĩnh bị địch bắn bị thương ở tay. Tình thế khẩn cấp đã buộc các thành viên trong xe phải điều chỉnh vị trí. Ông Hưởng vừa là trưởng xe, vừa đảm nhiệm vai trò vận hành pháo, với tinh thần quyết tâm chiến đấu.

Vào sáng 11-3-1975, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy xe tăng 980 tông sập cổng Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy, mở đường tấn công cho bộ binh xông vào đánh chiếm Sở Chỉ huy. Đến 10 giờ cùng ngày, các hướng đồng loạt tấn công. 10 giờ 30, xe tăng, bộ binh áp sát cột cờ, Đại đội 9 chốt giữ trận địa, hỗ trợ Tiểu đoàn 4 hạ cờ Sài Gòn, kéo cờ giải phóng trong niềm vui chiến thắng.

2.jpg
Mô hình xe tăng 980 được xây dựng tại Trung tâm ngã 6 tỉnh Đắk Lắk như một biểu tượng của tỉnh

Ý chí chiến đấu quật cường

Cũng trong buổi trò chuyện, chúng tôi được Cựu chiến binh Đặng Văn Phong (sinh năm 1955), nguyên Trợ lý tác chiến Lữ đoàn Tăng Thiết Giáp 273 (nay thuộc Quân đoàn 34) chia sẻ câu chuyện đầy xúc động của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng.

Cựu chiến binh Đặng Văn Phong kể, ngày 12-3-1975, sau khi đánh chiếm được Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, trong lúc về điểm tập kết, thì địch bất ngờ thả bom, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bị thương ở chân trái, phải đưa về trạm cấp cứu. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quật cường, đêm hôm đó, ông Hưởng đã trốn phẫu thuật trở về đơn vị cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.

Cuộc gặp gỡ với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng không chỉ là một cuộc trò chuyện về quá khứ, mà còn là bài học về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu quật cường. Chiếc xe tăng 980, cùng những người lính dũng cảm, đã trở thành biểu tượng cho một thời kỳ hào hùng của dân tộc, và câu chuyện của họ sẽ mãi mãi không phai nhòa trong tâm trí mỗi người Việt Nam.

Sau những chiến công vang dội tại Buôn Ma Thuột, xe tăng 980 tiếp tục tham gia các trận đánh khác. Tuy nhiên, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc xe đã bị bắn cháy tại khu vực cầu Xáng (nay thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, TPHCM). Hành trình của xe tăng 980 đã kết thúc, nhưng ký ức về nó vẫn sống mãi trong lòng người dân. Để ghi nhớ những chiến công oanh liệt trong trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1995, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Tượng đài Chiến thắng. Trên tượng đài, mô hình chiếc xe tăng số hiệu 980 tượng trưng cho lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của quân và dân ta.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh ngày 20-8-1949, tại xã Bình Ngọc, huyện Hải Ninh (nay là phường Bình Ngọc, TP Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh. Ông nhập ngũ năm khi mới 17 tuổi. Năm 1968, trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó Đại đội súng cối 82 ly thuộc Trung đoàn 88. Ông đã đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 khẩu đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ, lập công lớn trong chiến dịch. Ông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", "Chiến sĩ thi đua".

Năm 1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3, chỉ huy xe tăng 980 dẫn đầu đội hình tiến công vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Xe tăng của ông đã tiêu diệt hàng chục lính địch, phá hủy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng M41, 5 xe quân sự, tạo điều kiện cho bộ binh làm chủ trận địa, bắt sống Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk.

Với những chiến công trên, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 2 lần là "Chiến sĩ thi đua" cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Tháng 9-1975, khi mới 26 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi đất nước thống nhất, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục phục vụ trong quân đội, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp, Tư lệnh Quân khu 4.

Tin cùng chuyên mục