Ghép thành công tim, gan và thận từ người chết não

Ngày 5-4, GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết, sau 5 giờ thực hiện ghép 3 tạng cùng lúc từ người chết não ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) hiến tặng, các bệnh nhân sau ghép đã ổn định, đang dần hồi phục tốt.

Ghép tim từ người chết não ở Quảng Ninh hiến tặng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Bệnh viện Trung ương Huế, Thừa Thiên Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Ghép tim từ người chết não ở Quảng Ninh hiến tặng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Bệnh viện Trung ương Huế, Thừa Thiên Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Người hiến tạng ở Quảng Ninh bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông. Khi có kết luận chẩn đoán chết não, đồng thời nhận được sự đồng thuận của gia đình trong việc hiến tạng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và các trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát, lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng từ người cho này. Các tạng được hiến bao gồm: tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải - gan trái, 2 quả thận, 2 giác mạc.

Đêm ngày 1 kéo dài đến sáng sớm 2-4, tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, hơn 120 y, bác sĩ đến từ các trung tâm ghép tạng cả nước sau khi họp, đánh giá và phân tích, đã tiến hành phẫu thuật để lấy tạng từ người chết não hiến tặng mang đi cứu người. Trong đó, tim, gan, thận của người chết não hiến tặng được đưa về tới Bệnh viện Trung ương Huế lúc 9 giờ 50 sáng 2-4 để ghép thành công và cứu sống 3 bệnh nhân trong danh sách chờ ghép tạng tại bệnh viện này.

* Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho cố thạc sĩ, nữ điều dưỡng Lộ Thị Thùy Linh (40 tuổi, làm việc tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện E) vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trước đó vào tháng 3-2024, sau khi bị ngừng tim đột ngột và rơi vào chết não, gia đình nữ điều dưỡng Lộ Thị Thùy Linh đã đồng ý hiến toàn bộ tạng của nữ điều dưỡng này để ghép tạng cứu sống 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, trong đó có 1 người được ghép tim và 2 người được ghép thận.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.

* Ngày 5-4, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức hội nghị phát triển “Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng” khu vực phía Nam. PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước mới chỉ thực hiện hơn 8.365 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Hiện cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép tạng, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50%-60% và thậm chí là nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp... tỷ lệ ghép lên đến 90%. Còn ở Việt Nam, số người được ghép tạng và hiến tạng hạn chế, đặc biệt năm 2023 chỉ có 0,15% người chết não đồng ý hiến tạng. Do không có mô, tạng nên 26 cơ sở ghép tạng, ghép mô trên cả nước hoạt động kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư. Chỉ có khoảng 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm, có nơi 1 tuần ghép 1-2 ca.

Tin cùng chuyên mục