Gia Lai, Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Ngày 17-1, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai

Dự và chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Gia Lai là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên, sinh thái; đa dạng, hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc. Sau khi có quy hoạch, tỉnh cần có tư duy, tầm nhìn để phân bổ nguồn lực. Để phát triển, Gia Lai cần quan tâm kết nối vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ; tiếp tục quan tâm đầu tư, thu hút nhà tư vấn, nhà đầu tư tên tuổi để thực hiện ý tưởng; tính toán quy hoạch để thực hiện các khu công nghiệp, lựa chọn đầu tư công nghệ cao. Gia Lai là nơi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó gắn với nghiên cứu, triển khai để xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp dược liệu đi kèm chế biến sản phẩm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Gia Lai có cảnh quan đẹp, rừng núi hùng vĩ, là điểm đến để nghỉ dưỡng, thưởng thức danh lam thắng cảnh. Do đó, cần chuẩn bị kỹ để phát triển du lịch gắn với tài nguyên rừng tự nhiên, gắn với thu nhập người dân thụ hưởng được thông qua tín chỉ carbon. Mặt khác, Gia Lai tính toán để xây dựng đô thị xanh, thông minh.

Với thành tựu, truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền, Phó Thủ tướng tin tưởng Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe. Về xã hội, tỉnh Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng; xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, lấy con người làm trung tâm, nâng cao tri thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực.

mChiều cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Theo đó, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước. Kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc văn hóa các dân tộc... Cụ thể, giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm là 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) giảm hàng năm 1,5%-2%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%-4%/năm; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%-44%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt 65%…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh Đắk Lắk cần tập trung triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ của quy hoạch. Nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên kết với các vùng, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; tập trung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Tin cùng chuyên mục