Gia tăng nhiều dịch bệnh

Do gián đoạn tiêm chủng thời gian qua vì thiếu vaccine, cùng với thời tiết diễn biến thất thường đang làm cho nhiều dịch bệnh như ho gà, sởi, rubella, virus hợp bào gia tăng. Cùng với đó, các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhất là dại và cúm A/ H5N1, cũng có diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: QUANG HUY
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thăm khám bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: QUANG HUY

Hậu quả của gián đoạn vaccine

Khoa Khám bệnh ngoại trú, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM những ngày qua luôn quá tải người lớn đưa trẻ nhỏ đến thăm khám. Theo bác sĩ Đăng Nhật, bình quân mỗi ngày phòng khám bệnh truyền nhiễm ngoại trú của bệnh viện tiếp nhận 30-50 trẻ đến thăm khám, tăng gần 10% so với tháng 2. Riêng Khoa Nhiễm hiện có trên 20 trẻ nhập viện điều trị nội trú một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có một số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, thương hàn, thủy đậu, ho gà…

Còn tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM, hiện có gần 30 trẻ đang nằm điều trị, trong đó khoảng 10 ca bệnh nặng được theo dõi tích cực trong phòng cấp cứu. BSCK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị nội trú trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng khoảng 5% so với tháng trước. Trong khi đó, tình trạng gián đoạn tiêm chủng cũng khiến nhiều trẻ mắc sởi và rubella.

Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế ) cho thấy, trong 3 tháng qua, cả nước ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và 10 trường hợp mắc rubella. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh với 90%-100% người chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh sởi có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Còn theo thống kê của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 70 trường hợp mắc ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

B3c.jpg
BS Đăng Nhật, khoa Khám bệnh ngoại trú, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: QUANG HUY

PGS-TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thông tin, hầu hết những trường hợp mắc bệnh ho gà đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng vaccine đầy đủ. Có hơn 50% trẻ mắc bệnh ho gà nặng có nguồn lây từ mẹ và nhiễm bệnh trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch ở 3 tháng đầu đời. Trẻ chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng.

Cảnh giác bệnh lây truyền từ động vật

Gần đây, một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhất là bệnh dại và cúm A/H5N1, đang gia tăng trở lại. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, 16/63 tỉnh, thành phố có ca bệnh dại trên người, 27 ca tử vong (tăng 170% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó miền Trung có số ca tử vong cao nhất (9 ca). Còn tại miền Nam, số người đi tiêm vaccine ngừa dại cao nhất cả nước, tới 143.000 người. Đáng lo ngại hơn, sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người thì từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong ở Khánh Hòa vào tháng 3 vừa qua.

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương vừa yêu cầu đơn vị chức năng tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê trong giai đoạn năm 2023-2025 và từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026-2030. Cùng với đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện; 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người.

XUÂN TRUNG

Hiện trên thế giới đã ghi nhận khoảng 200 bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người với nhiều tác nhân khác nhau. Trong 2 thập niên qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới, như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola… và gần đây nhất là Covid-19,gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ông Hoàng Minh Đức cho biết, đáng lo ngại là có tới 75% các dịch bệnh nguy hiểm là lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ động vật.

Việt Nam đã xác định 5 loại dịch bệnh cần được ưu tiên phòng ngừa là: cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn, xoắn khuẩn vàng da vì đây là những dịch bệnh có tỷ lệ tử vong ở người rất cao (thậm chí tới 100%) và chi phí điều trị, phòng ngừa tốn kém. “Thời gian tới, nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Để ứng phó với những thách thức này, rất cần sự hợp lực của toàn xã hội và sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế. Ngoài trách nhiệm của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị có liên quan như NN-PTNT, công thương, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống, giải quyết có hiệu quả, triệt để các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người nhằm góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân”, ông Hoàng Minh Đức nêu ý kiến.

Miền Bắc: Số ca mắc bệnh hô hấp tăng

Do ảnh hưởng của thời tiết chuyển mùa, chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí hàng ngày cao khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao, trong đó nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó chiếm tới 70% là do virus RSV. Theo các bác sĩ, RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp, khi bị nhiễm virus thường có các biểu hiện: chảy nước mũi trong, keo dính, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt, khó thở, ăn uống kém. Khởi đầu của bệnh là triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho khò khè... Sau 2-3 ngày sẽ tiến triển nặng lên, chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi và có những trẻ suy hô hấp nặng phải can thiệp thở máy.

Cẩn trọng sốc nhiệt, đột quỵ

Hiện các tỉnh, thành phố ở miền Trung và miền Nam đang phải gánh chịu đợt nắng nóng rất gay gắt với nền nhiệt độ phổ biến 380 C-390 C, đặc biệt nhiều nơi lên tới 40°C, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sức khỏe người dân.

Theo các bác sĩ, nắng nóng cao điểm như hiện nay làm gia tăng các trường hợp bị sốc nhiệt, nhất là với người phải làm việc, đi lại, hoạt động nhiều ở ngoài trời. Cùng với đó, nắng nóng cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ đối với người cao tuổi, người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch và cả các trường hợp nghiện rượu bia, thuốc lá. Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước. Nếu cơ thể không được bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém, dẫn tới làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Điển hình vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM tiếp nhận điều trị 2 trẻ ngụ tỉnh Kiên Giang và tỉnh Long An trong tình trạng hôn mê sâu, chết não do sốc nhiệt khi đột ngột xuống hồ bơi tắm trong thời tiết nắng nóng.

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo sức khỏe và phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, người dân cần chú ý thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn: chọn thực phẩm an toàn, nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu, bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nếu ăn lại thức ăn thì nên nấu lại thật kỹ; tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Tin cùng chuyên mục