Gỡ khó phim đặt hàng

Thông tin bộ phim Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo vừa được Bộ VH-TT-DL phê duyệt đầu tư theo đề nghị của Cục Điện ảnh, khiến giới làm phim khá bất ngờ. Đã rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới lại có một phim được sản xuất theo hình thức xã hội hóa.  
Sở dĩ nói rất lâu là bởi bộ phim gần nhất được thực hiện theo hình thức này là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt năm 2014. Từ đó đến nay, mỗi năm điện ảnh Việt có từ 40-50 phim của các đơn vị sản xuất tư nhân, còn phim nhà nước hoàn toàn vắng bóng.
Tại nhiều hội thảo, các nhà làm phim đầu ngành từng lo ngại, việc không còn phim nhà nước không chỉ gây ra sự mất cân bằng mà còn đáng báo động bởi mất đi tính định hướng của nền điện ảnh. 
Trong thông cáo báo chí được ê kíp đoàn phim Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo phát đi, có viết: “Căn cứ giám định kịch bản và theo quyết định của Thủ tướng về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ VH-TT-DL, bộ phim điện ảnh với đề tài học trò Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo do Công ty CP truyền thông và giải trí Galaxy sản xuất đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt đầu tư đặt hàng theo kế hoạch năm 2015, 2016, 2017. Thực hiện kế hoạch đặt hàng đợt 2, được phê duyệt của Bộ VH-TT-DL, phim được tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim là 70%  và nguồn kinh phí xã hội hóa huy động của đơn vị sản xuất phim là 30% tổng mức giá sản xuất phim được phê duyệt”.
Như vậy, trường hợp của Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo cũng tương tự Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. 
Có một câu hỏi được nhiều người quan tâm đến điện ảnh Việt đặt ra, đó là lý do vì sao một bộ phim về thanh xuân, học trò lại được lựa chọn đặt hàng từ Nhà nước cho các hãng phim tư nhân sản xuất. Tại sao, lần đặt hàng này không phải là dự án mang tính quảng bá như kiểu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bộ phim giúp kích cầu du lịch Phú Yên hay các phim mang đậm dấu ấn nhà nước ở các thể loại chính luận, lịch sử...  
Gỡ khó phim đặt hàng ảnh 1 Một cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Một đại diện Cục Điện ảnh từng cho biết, sở dĩ suốt những năm qua vắng bóng phim nhà nước là bởi cơ chế đặt hàng, đấu thầu đang gặp nhiều ách tắc chưa thể khai thông.
Những vướng mắc liên quan đến luật ngân sách, luật phí và lệ phí... khiến tình trạng này vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Riêng cơ chế đấu thầu phim cũng tồn tại nhiều hạn chế, khiến việc tài trợ không thể triển khai.
Kết quả là dòng phim nhà nước hoàn toàn đứng ngoài dòng chảy phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt trong 3 -4 năm vừa qua. 
Cho đến thời điểm hiện tại, khi phim vẫn đang trong giai đoạn tiền sản xuất, dự kiến bấm máy vào cuối tháng 6 này thì vẫn còn quá sớm để nói về câu chuyện chất lượng và số tiền kia sẽ được sử dụng như thế nào.
Hy vọng, nó phát huy tác dụng tốt như trường hợp của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tạo ra một dấu ấn mới của dòng phim hợp tác nhà nước - doanh nghiệp cùng làm.
Còn câu trả lời phải đợi đến khi phim ra rạp (dự kiến phát hành ngày 16-11). Sau Lưu bút tuổi 17 - Thạch Thảo, cơ chế đặt hàng, đấu thầu phim liệu đã được khai thông, mang đến cơ hội cho các dự án khác nhau, ở nhiều đề tài, thể loại khác nhau đồng thời góp phần đưa dòng phim nhà nước trở lại đường đua.

Tin cùng chuyên mục