Góc nhìn nghị trường: Bảo đảm tính độc lập của tòa

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân, vấn đề được Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 22-11, là đảm bảo tính độc lập của cơ quan xét xử.
Góc nhìn nghị trường: Bảo đảm tính độc lập của tòa

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi lần này tuy có khá nhiều quy định mới như tổ chức tòa án theo cấp xét xử, thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, quy định nhiều biện pháp nhằm bảo vệ thẩm phán… song vẫn chưa có những sửa đổi căn bản để khắc phục tình trạng hành chính hóa quan hệ giữa chánh án với các thẩm phán, giữa các cấp tòa án.

Một giải pháp được cân nhắc là sửa đổi căn bản mô hình quản lý tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức và bổ nhiệm thẩm phán theo hướng không tiếp tục giao chức năng này cho Tòa án Nhân dân tối cao, thay vào đó giao cho Hội đồng Tư pháp quốc gia (đã được chế định trong dự thảo luật) với thành phần bao gồm đại diện các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… Hội đồng này chỉ thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của tòa án, không có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động xét xử.

Dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024 của Quốc hội. Quãng thời gian 6 tháng không dài nhưng cũng không ngắn nếu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp tích cực nhằm hoàn thiện một văn bản pháp quy có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền tư pháp nước nhà.

Tin cùng chuyên mục