Hai mặt hashtag

Hashtag giờ đã là 1 phần tất yếu của các mạng xã hội (MXH) khi mức độ phủ sóng, chiếm sóng của nó dày đặc đến mức khiến người dùng như lạc vào ma trận. #thuthach6ngay6dem, #6ngay6dem, #muatotnghiep, #totnghiepthpt #ngaycuame, #ngaycuacha… là những hashtag đang thịnh hành trên các MXH thời gian gần đây, như Facebook, TikTok, Instagram, Twitter….  

Hashtag được sử dụng để chỉ những từ hoặc nhóm từ được bắt đầu với dấu #. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8-2007 trên Twitter và sau đó nhanh chóng trở thành công cụ marketing vô cùng hiệu quả. Đơn cử, trong chiến dịch Clean Up Vietnam lần 3 do cộng đồng Xanh Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6, các hashtag #cleanupvietnamlan3, #xanhvietnam, #chiendichnhatractoanquoc, #vimotvietnamxanhsachdep… xuất hiện trong vô số các bài viết đã tạo nên sự lan tỏa tốt cho chiến dịch. Chính bởi tính vĩnh viễn của hashtag khiến nó có thể duy trì sự quan tâm kéo dài nhiều năm dù sức nóng có thể giảm nhiệt sau khi trào lưu qua đi.  

Với người dùng MXH, khi sử dụng hashtag, họ có thể lan tỏa được những nội dung tới những người có cùng mối quan tâm, sở thích… để tương tác với nhau. Không thể phủ nhận, rất nhiều hashtag đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. #vaccineCovid19chotreem, #khautrangtiepsuc, #baovebacsi24h, #tiepsucbacsi, #onhalayeunuoc... đã xuất hiện trong hàng triệu bài viết. Đáng trân trọng hơn, từ những dòng hashtag ấy còn tạo ra những giá trị thật về mặt vật chất. Không ít nhãn hàng đã vừa kết hợp được việc quảng bá một cách tự nhiên đồng thời góp phần chia sẻ, gây quỹ được với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Ngay cả những hashtag chỉ mang ý nghĩa giải trí đơn thuần, sự kết nối ấy cũng là tích cực.  

Nhưng sử dụng hashtag cũng có hai mặt. Vì không được đăng ký, kiểm soát bởi bất cứ cá nhân nào nên không phải lúc nào những hashtag cũng được sử dụng đúng mục đích ban đầu. Một số hashtag có chứa nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của các MXH từng bị gỡ bỏ nhưng cũng không thể giải quyết triệt để. Bị chặn trên MXH này nó lại dễ dàng xuất hiện ở một MXH khác. Đơn cử, một thời gian sau khi bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) ra đời, hashtag #squidgame xuất hiện trong hàng triệu bài viết nhưng không ít trong số đó lại đi kèm với những nội dung, hình ảnh phản cảm. Thực trạng này diễn ra rất phổ biến. Lợi dụng những hashtag đang hot, gắn vào bài viết nhằm gây chú ý thực chất là chiêu cố tình câu like, câu view của những người sử dụng MXH và ít nhiều gây ra hệ lụy xấu. 

Một hashtag ý nghĩa có thể tạo nên những giá trị tích cực, truyền cảm hứng để những thông điệp tốt có thể lan xa. Và ngược lại, sự lạm dụng hoặc cố tình “bẫy” người dùng bằng hashtag nhiều khi sẽ tạo ra hiệu ứng ngược. Với người trẻ, việc sử dụng cũng như tiếp nhận hashtag một cách có chọn lọc, thông minh là điều cần thiết. Và, trong rất nhiều trường hợp, cần biết nói không, thậm chí bài xích những hashtag tiêu cực thay vì mải mê chạy theo xu hướng.

Tin cùng chuyên mục