Ngày 13-9, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn công tác giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan tại Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, việc cải cách hành chính (CCHC) thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đã được cụ thể hóa thành các hoạt động, gắn với từng vụ, đơn vị, từng chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp CCHC thuế.
Tổng cục Thuế đã đề xuất sửa đổi các thể chế, chính sách và thủ tục hành chính thuế; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế.
Việc hoàn thuế điện tử đã giúp việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN nhanh chóng, đơn giản, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và DN, hạn chế tiêu cực trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Với những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế trong thời gian qua, kết quả đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng DN đánh giá cao.
Theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, chỉ số nộp thuế đã tăng 81 bậc, từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.
Khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, Chỉ số hài lòng của DN đối với cải cách hành chính (CCHC) thuế năm 2016 là 75/100 điểm (so với năm 2014 là 71/100).
Hội đồng CCHC của Chính phủ đánh giá về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính APCI 2018 mới công bố vừa qua, chi phí tuân thủ trung bình về thực hiện thủ tục hành chính thuế đứng thứ 1 trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đưa vào đánh giá với mức chi phí thấp nhấp (chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế chỉ là 73,75 ngàn đồng do các thủ tục này cơ bản được thực hiện qua mạng nên không phát sinh thời gian in ấn, đi nộp tờ khai..).
Tuy vậy, công tác thuế vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục như cơ quan thuế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế để tiếp tục giảm số giờ nộp thuế của DN Việt Nam theo chuẩn quốc tế mà Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Trong đó quan trọng nhất là phải tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy định về chính sách, thủ tục hành chính thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ thuế điện tử đến các cá nhân, người khai thuế trước bạ. Kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp gian lận, trốn thuế mà không làm phiền đến các DN tuân thủ tốt. Phòng chống các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị là thu ngân sách Nhà nước với tỷ trọng số thu nội địa ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ người dân, DN; chấn chỉnh đạo đức tác phong của cán bộ công chức ngành thuế; lấy sự hài lòng của người dân, DN để làm mục tiêu phục vụ của công chức/cơ quan thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính có nhiều biện pháp quyết liệt để cải cách trong lĩnh vực thuế từ thể chế, thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian nộp thuế cho người nộp thuế.
Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Bùi Văn Nam, hiện có tới 55 triệu đối tượng nộp thuế, tới đây sẽ có một cửa điện tử để giải thích các chính sách thuế cho người nộp thuế. Những người nộp thuế dưới 50.000 đồng/năm tới đây sẽ cho miễn để bảo đảm thông suốt của hệ thống điện tử, vì nếu thu thì gây ách tắc mạng. Sẽ tập trung phát triển đại lý thuế-cánh tay nối dài của ngành thuế, bao gồm cả việc giải thích chính sách thuế.
“Ngành thuế sẽ đưa quản lý thuế theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu làm sao người nộp thuế dù ở đâu cũng khai thuế được (khai thuế điện tử). Người dân sẽ không phải đến tận nơi để khai thuế”, ông Bùi Văn Nam cho hay.
Kết thúc giám sát, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao công tác CCHC của ngành thuế trong 3 năm qua, đứng nhất về tuân thủ chi phí thủ tục hành chính. Điều đó thể hiện rõ qua kết quả thu thuế trong những năm gần đây.
“Sản xuất kinh doanh phát triển thì phải thu được thuế để bảo đảm thu-chi của ngân sách. Mục tiêu cuối cùng là phải bảo đảm nâng cao đời sống của người dân. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều trông chờ vào kết quả thu thuế”, ông Mẫn nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đánh giá cao việc ứng dụng CNTT mạnh mẽ của ngành thuế, từ khai thuế, nộp thuế đến hoàn thuế đều qua điện tử. Đó là minh chứng rõ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Qua giám sát, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế, CCHC thuế để người dân, DN thực hiện tốt nhất.
“Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tinh giản biên chế, để làm sao máy móc thay thế con người, hạn chế thấp nhất việc người nộp thuế phải gặp cán bộ thuế, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu, bởi thuế là lĩnh vực nhạy cảm”, ông Mẫn nói.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế tiêu cực trong ngành thuế. Trong đó, có vai trò giám sát của mặt trận để tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành thuế. Giám sát để thúc đẩy hoạt động tốt lên chứ không phải giám sát để gây khó dễ cho ngành thuế.