Liên hiệp quốc lấy chủ đề cho ngày Môi trường thế giới 5-6-2018 là “Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa - Nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng”.
Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng LHQ thông qua từ năm 2015 cũng đưa ra một kế hoạch hành động gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), 169 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những mục tiêu liên quan nhiều đến vấn đề rác thải nhựa trên biển nói riêng và toàn cầu nói chung.
Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỷ tấn nhựa. Một nghiên cứu mới đây theo dõi tình hình sản xuất và phân phối nhựa trên toàn thế giới đã phát hiện ra rằng, chỉ có 2 tỷ tấn nhựa đang được con người sử dụng còn hơn 7 tấn nhựa còn lại đang tồn tại khắp nơi dưới dạng rác thải trong các bãi chôn lấp rác, dưới dạng rác tái chế, hay thậm chí còn là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất đai và biển cả. Theo số liệu thống kê trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phân nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Tất nhiên, không thể nào phủ nhận tính tiện ích của loại vật liệu này đối với đời sống con người, khi mà nhựa gần như gắn liền với mọi mặt của cuộc sống hiện đại: các bao bì tại siêu thị, làm vỏ chai nước, làm ống hút... Nhưng tốc độ phát triển đáng báo động của rác thải nhựa có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình, khi mà con số này đã tăng từ 1% lên thành 10% chỉ trong chưa đầy 50 năm. Sự tiện dụng cũng khiến con người đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng 1 lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi ni lông. 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng 1 lần.