Hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ

Bên lề phiên họp của Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, các nhà máy thủy điện lớn hiện nay đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết nước; song thuỷ điện nhỏ thì chưa được như vậy.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí sáng 24-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí sáng 24-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm cho rằng đợt lũ lụt lịch sử tại miền Trung như vừa qua là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Đúng là có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Vì tất cả chỉ số cho thấy đều vượt đỉnh lũ lịch sử có nơi 1m, có nơi 2m. Ở miền Trung vừa qua đã xảy ra tổ hợp nhiều hình thái thiên tai cùng lúc”.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này, theo Bộ trưởng, không đề cập nhiều và trực tiếp đến các sự cố về thiên tai, nhưng đã “giải quyết bài toán rất xa là biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, đưa ra các công cụ để quản lý, kiểm soát, để giải quyết một cách căn cơ vấn đề biến đổi khí hậu”.

Liên quan đến tác động của thủy điện đến tình hình lũ lụt, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà máy thủy điện lớn hiện nay đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó.

“Không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ” là quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua thảo luận tại Quốc hội khoá XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ. "Trong thời gian  tới, chúng ta cũng cần hết sức thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ và khi phát triển thủy điện thì phải rất chú ý đến giải pháp công nghệ, tránh xây dựng các đập dâng, mà tận dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước. Chi phí đầu tư sẽ tăng, nhưng đảm bảo phát triển bền vững", người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Bàn về giải pháp phòng ngừa các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật này đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm kiểm soát chặt chẽ phát thải thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường; các quy chuẩn môi trường.

Hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ được chú trọng bảo tồn theo phương châm con người phải sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên.

Về đánh giá tác động môi trường, một nội dung cốt lõi trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo lần này chú trọng 2 nguyên tắc. Một là quản lý môi trường dựa trên tính chất, quy mô của lượng chất thải ra môi trường. Hai là đánh giá tác động đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên dựa trên những tiêu chí cụ thể, khoa học.

Dự án thân thiện môi trường, quy mô tác động không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn tới môi trường thì sẽ áp dụng biện pháp hậu kiểm; trong khi tăng cường quản lý đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao (thay vì tiền kiểm tất cả, nhưng nhân lực, vật lực hạn chế nên không hiệu quả thực chất). Tháo gỡ các thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính chất hình thức với dự án thân thiện môi trường và có hành lang để các dự án thân thiện đơn giản thủ tục nhất, ít chi phí tuân thủ nhất, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội cũng là nguyên tắc xuyên suốt dự Luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Tin cùng chuyên mục