Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo TS - bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng đơn vị Hỏa trị liệu Bệnh viện Châm cứu trung ương, hỏa trị liệu (HTL) là biện pháp chữa bệnh không dùng thuốc, đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp, hiệu quả cao. HTL được các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar áp dụng từ xưa đến nay như một phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Tại Việt Nam, HTL từ xưa đã được các danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông sử dụng. Nguyên lý của HTL là dùng phương pháp tác động nhiệt lên da như: cứu, đốt lửa, đắp, dán, xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt… có tác dụng khu phong, tán hàn, trừ thấp, điều hòa khí huyết, ôn thông kinh lạc, tăng quá trình trao đổi chất tế bào.
“HTL có tác dụng hỗ trợ và điều trị một số chứng bệnh như đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng HTL là phương pháp chữa bách bệnh, hoặc sợ hãi vì cảm giác như ngọn lửa có thể làm bệnh nhân bị bỏng nặng, đều sai lầm. Một nghiên cứu cho thấy, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, HTL là phương pháp rất an toàn. Trong một thống kê với 94 trường hợp dùng HTL, nhiệt độ cao nhất khoảng 44,8oC, không có trường hợp nào bị bỏng”, TS Nguyễn Tuyết Mai cho hay.
Còn theo TS - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, HTL là phương pháp đại nhiệt, tăng cường khả năng thông kinh hoạt lạc, là kết hợp ưu điểm của phương pháp giác hơi, cứu, đánh gió… nên đặc biệt hiệu quả trên các bệnh lý liên quan tới hàn chứng. Do tác dụng nhiệt nên phương pháp cũng giúp cơ thể tăng cường tuần hoàn, tăng cường chuyển hóa. Hiện tại, phác đồ HTL ứng dụng trong điều trị một số bệnh như béo phì, đau liên quan đến hàn, liệt mặt do lạnh và tác dụng thẩm mỹ.
Phải được thực hiện bởi các bác sĩ có bằng cấp, tay nghề
Mặc dù HTL có tác dụng chữa và hỗ trợ được nhiều bệnh lý, tuy nhiên theo TS Trương Thị Ngọc Lan, nếu sử dụng không đúng kỹ thuật và liều lượng, có thể gây bỏng, gây cháy nổ. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu. Nguy hiểm hơn, HTL không đúng cách có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Cụ thể, khi nhiệt độ tăng quá cao sẽ nảy sinh rủi ro bị phỏng thương, nhiệt độ quá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, 44oC là trị số giáp ranh nhiệt độ phỏng thương. Nếu áp dụng HTL đốt người bệnh ở nhiệt độ 44oC liên tục trong 6 giờ sẽ dẫn đến bỏng; nếu nhiệt độ lên đến 49oC kéo dài chỉ trong 3 phút cũng dẫn đến bỏng. Do đó, chữa bệnh bằng HTL phải được thực hiện bởi các bác sĩ có bằng cấp, tay nghề.
Theo quy định, người được phép thực hiện kỹ thuật HTL phải trải qua 3 tháng học lý thuyết và thực hành trên học viên theo quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế ban hành; đồng thời phải là người trong ngành y, gồm bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền, lương y, kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, được đào tạo cấp chứng chỉ về quy trình kỹ thuật HTL. Cùng với đó, một trong các phương tiện bắt buộc phải có khi thực hiện HTL được Bộ Y tế quy định là lọ thuốc xịt bỏng Panthenol và bình chữa cháy dạng bọt hoặc khí CO2.
Các chuyên gia lưu ý, tuyệt đối cấm kỵ áp dụng HTL cho người bệnh mắc các bệnh mạn tính như suy thận, suy tim, tăng huyết áp (150/100mmHg), bệnh nhân mắc bệnh lao, ung thư và các bệnh lý cần xử trí ngoại khoa, rối loạn tâm thần; người bệnh có các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da có viêm nhiễm; các bệnh viêm nhiễm nặng đường tiết niệu; phụ nữ có thai; phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt; bệnh nhân có vết thương hở, bệnh lý ngoài da...
Không được thực hiện HTL trong điều kiện thời tiết nắng nóng 39oC - 40oC hoặc mưa quá to. Thận trọng khi thực hiện ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, những vùng bị mất cảm giác, bệnh nhân có silicon trong cơ thể. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện HTL bệnh nhân không tắm nước lạnh, không ăn đồ lạnh ít nhất 4 giờ với mùa hè và mùa đông là 6 giờ. Tránh gió, tránh lạnh, luôn giữ ấm cơ thể, kiêng quan hệ tình dục trong vòng 4 giờ sau HTL.