Hoạt hình Việt Nam: Đón nhận AI nhưng đừng nên lạm dụng

Đó là nhận định của ông Thierry Nguyen, đồng sáng lập Badclay Studio, tại Hội thảo với chủ đề “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” diễn ra chiều 8-4 trong khuôn khổ LHP quốc tế TPHCM (HIFF) 2024.

ky xao viet nam 2.jpg
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận

Ngoài ông Thierry Nguyen, sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: Đinh Trí Dũng, Giám đốc Học viện MAAC, Phó Chủ tịch VAVA; Lê Anh Dy, Nhà sáng lập/CEO của blankNegatives, Chủ tịch VAVA; Ming Pan, Giám đốc sáng tạo/Nhà sản xuất VFX của MIXEL MEDIA; Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập, CEO của Animost Studio.

Khái quát về ngành công nghiệp VFX (Visual Effects, tạm dịch: kỹ xảo) tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Thierry, Việt Nam hiện nay có tổng cộng 102 studios và tập trung nhiều ở phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Theo số liệu ghi nhận vào năm 2023, hơn 60% studios ở Việt Nam cộng tác và làm việc với nhiều khách hàng quốc tế từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ.

“Các studio này đã có từ rất sớm và đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, đây vẫn là một ngành trẻ ở Việt Nam khi so sánh với các ngành khác trong nước và so với các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á”, ông Nguyễn Thierry nói thêm.

ky xao viet nam 3.jpg
Các công ty kỹ xảo Việt Nam góp mặt trong nhiều bom tấn nước ngoài

Ở phiên thảo luận 1 với chủ đề “Những cơ hội và thách thức của hoạt hình và kỹ xảo ở Việt Nam”, các diễn giả chia sẻ về những ưu và khuyết điểm của Việt Nam trong ngành công nghệ 3D-VFX. Đồng thời, đưa ra những lời khuyên cho việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ để củng cố sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Thierry, Việt Nam là một điểm đến thu hút trong ngành VFX với nhiều thế mạnh: Sự tăng lên về số lượng các studio; đội ngũ nhân lực nhỏ nhưng nhiều nhân tài; sự đổi mới và xuất hiện các ngành đào tạo về dựng phim, ứng dụng kỹ xảo trong điện ảnh ở nhiều trường đại học, học viện; nền văn hóa đặc sắc cho tiềm năng sáng tạo nội dung..

Bên cạnh đó, một số thách thức về việc bắt kịp xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, ngân sách cũng được đề cập.

“Tôi nghĩ Việt Nam cần cải thiện chất lượng hàng ngày và việc học tập kinh nghiệm, kỹ thuật mới từ các quốc gia trên thế giới là điều thiết thực”, ông Nguyễn Thierry chia sẻ.

Nói thêm về thế mạnh của đội ngũ VFX tại Việt Nam, ông Phan Tuấn Anh chia sẻ thêm: “Nguồn nhân lực dồi dào và người Việt chúng ta rất ham học hỏi các công cụ, kỹ thuật mới. Với điều đó, đầu tư vào ngành VFX ở Việt Nam sẽ rất khả thi”.

Trong khi đó, ông Lê Anh Dy nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề giao tiếp trong trao đổi với các khách hàng khi thực hiện những dự án nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thuyết phục họ về tiềm năng của ngành VFX tại Việt Nam.

ky xao viet nam 1.jpg
Nhiều khán giả đưa ra những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực kỹ xảo

Tại phiên 2 với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong đào tạo và sản xuất Animation và VFX”, các diễn giả đã chia sẻ câu chuyện về sự hợp tác sản xuất với các hãng, studio của các nước trên thế giới trong lĩnh vực này. Đồng thời, đề cập một số khía cạnh Việt Nam cần cải thiện. Mặt khác, câu hỏi về việc ứng dụng phù hợp AI (trí tuệ nhân tạo) trong quá trình thực hiện các kỹ xảo, hoạt hình cũng được bàn luận.

“AI giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình làm việc nhưng cần tìm hiểu và xác định rõ sử dụng AI như thế nào và đảm bảo ý tưởng, cái tôi của mình phải có trong sản phẩm. Tôi khuyến khích các bạn trẻ, các nhà làm phim sử dụng AI như một công cụ bổ trợ, nhưng đừng nên lệ thuộc quá nhiều mà hãy luôn sáng tạo và tìm tòi”, ông Ming Pan chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục