
Trong đó, tỉnh Nghệ An có 79 nhà bị tốc mái. Toàn bộ vùng bị ảnh hưởng có khoảng 107.000ha lúa bị ngập, trong đó riêng Ninh Bình ngập hơn 74.000ha, Hưng Yên 26.000ha và Thanh Hóa hơn 7.000ha. Các địa phương đang khẩn trương triển khai bơm tiêu chống úng. Đây chỉ là thống kê sơ bộ, chưa phải con số cuối cùng.
Tình trạng sạt lở, nứt đê đã xuất hiện ở một số nơi. Tại Hà Nội, mặt đê hữu sông Cầu (đoạn qua xã Đa Phúc) bị nứt dài 20m, chính quyền địa phương phải cấm các phương tiện lưu thông.

Ở tỉnh Thanh Hóa, mái đê phía nội đồng của đê tả sông Cùng (xã Hoằng Châu) bị sạt dài 65m. Tại tỉnh Ninh Bình, mái đê bối Nam sông Quần Liêu (xã Nghĩa Sơn) bị sạt 5m, đã được phủ bạt và đắp bao tải đất gia cố.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, để ứng phó với cơn bão, tổng số người đã được sơ tán lên tới 12.485 người. Trong đó, Quảng Ninh 2.052 người, Hải Phòng 4.994 người, Ninh Bình 4.710 người chủ động di dời từ trước bão, còn lại là sơ tán đột xuất do ngập lụt, sạt lở tại Thanh Hóa 468 người và Nghệ An 261 người.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tổng lượng mưa đến 17 giờ ngày 22-7 tại ven biển Thanh Hóa dao động 200-350mm, Ninh Bình và Nghệ An 100-250mm. Một số trạm mưa rất lớn: Sầm Sơn (Thanh Hóa) 374mm, Châu Nga (Nghệ An) 308mm.
Ngày 23-7, dự báo Thanh Hóa - Nghệ An tiếp tục có nơi mưa, cục bộ trên 200mm, Nam Phú Thọ và Sơn La 40-80mm.
Hiện nay, lũ trên các sông lên nhanh. Mực nước trên sông Chu tại Cửa Đạt vượt báo động 1 gần 1m, trên sông Cả tại Mường Xén chạm báo động 3. Tối 22-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia liên tục phát tin cảnh báo nguy cơ lũ quét tại: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…