Năm 2015, Đài Truyền hình TPHCM kỷ niệm 40 năm ngày phát sóng đầu tiên (1-5-1975 - 1-5-2015). Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quý Hòa, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM.
Ông Nguyễn Quý Hòa
- PV: Thưa ông, 40 năm đối với lịch sử một dân tộc chưa phải là dài nhưng với mỗi người là gần nửa cuộc đời, thế giới và đất nước chúng ta đã có biết bao biến đổi to lớn và sâu sắc. Trong thời khắc lịch sử này, ông có suy nghĩ như thế nào?
>> Ông NGUYỄN QUÝ HÒA: Sau 40 năm thống nhất đất nước và sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã có nhiều đổi thay kỳ diệu trên con đường phát triển. Tuy nhiên, có một giá trị bất biến, đó là ý nghĩa vĩ đại của cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta giành độc lập và tự do. Vào những khoảnh khắc đầu tiên và thiêng liêng đó của kỷ nguyên mới, từ chính địa điểm này, truyền hình cách mạng đã long trọng truyền đi những thông cáo lịch sử mang tính tuyên ngôn của dân tộc chúng ta: rằng, cái thiện đã thắng cái ác, hòa bình thắng chiến tranh; rằng, cuộc chiến xâm lược của nước Mỹ hùng mạnh về tiềm lực kinh tế và vũ khí nhưng tàn độc đã hoàn toàn thất bại.
Hàng năm, vào mỗi dịp mừng lễ khải hoàn, lòng chúng tôi, những người làm công tác truyền hình của TPHCM, lại tràn ngập niềm hân hoan xúc động nhớ lại những giây phút phát hình trọng đại của đêm 1-5-1975, ôn lại quá trình phát triển của đài thời gian qua và tự vấn rằng đã xứng đáng với sự mong đợi của quý khán giả hay chưa, để từ đó không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng thương hiệu HTV ngày càng phát triển.
- Là một thương hiệu mạnh trong làng truyền hình cả nước, ông có thể khái quát đôi nét về những thành tựu HTV đã đạt được trong 40 năm qua?
“Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng...”, đó là câu nói đầu tiên của phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh xuất hiện trên màn hình Đài Truyền hình Sài Gòn vào lúc 19 giờ ngày 1-5-1975 - một thời khắc lịch sử mở đầu cho những hoạt động thường xuyên của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) suốt 40 năm qua. Nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt trong 2 thập niên chuyển giao từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, ngành truyền hình thế giới, trong nước cũng như HTV đã có những bước tiến mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ có 2 kênh phát sóng truyền hình đen trắng phục vụ nhân dân TP và các tỉnh lân cận, đến nay, HTV đang trực tiếp sản xuất 17 kênh, hệ thống truyền hình cáp (HTVC) của đài đang quản lý gần 100 kênh phát sóng 24/24 giờ. Hiện nay, khán giả ở trong và ngoài nước nếu không có sóng analogue HTV vẫn có thể xem chương trình của HTV qua vệ tinh, hệ thống truyền hình cáp và HTV online trên internet.
Từ nhiều năm qua, tầm vóc thương hiệu HTV đã không chỉ dừng lại ở đài địa phương mà còn lan tỏa ra cả nước và một số quốc gia trong khu vực. HTV luôn khẳng định được bản lĩnh của mình trong điều kiện vừa phải bảo đảm tuyệt đối công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa không ngừng nâng cao tính hấp dẫn của các chương trình giải trí nhằm phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả truyền hình. Bên cạnh nguồn lực nội tại, HTV chủ trương xã hội hóa các chương trình truyền hình với sự định hướng và quản lý chặt chẽ, đã cho ra đời những chương trình, tiết mục truyền hình ngày càng phong phú, sâu sắc về nội dung và đa dạng, hấp dẫn về hình thức thể hiện…
Tiếng hát mãi xanh là một trong những chương trình rất được yêu thích của HTV
- Báo chí trong nước chịu tác động trực tiếp của tình hình kinh tế - xã hội, của định hướng quy hoạch báo chí theo chủ trương của Đảng và sự cạnh tranh thông tin ngày càng sôi động. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục phát huy truyền thống, từng bước xây dựng HTV thành một đơn vị truyền thông đa phương tiện, cần có những bước đột phá như thế nào, thưa ông?
Để có được những đóng góp tích cực và hiệu quả nói trên, tôi cho rằng yếu tố đầu tiên đáng ghi nhận là sự đoàn kết của tập thể các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động HTV, đặc biệt là tầm nhìn và quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo đài qua các thời kỳ. Ngoài ra, một yếu tố nữa quan trọng không kém là sự nỗ lực của tất cả bộ phận từ khối nội dung, kỹ thuật đến các bộ phận liên quan khác nhằm không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành truyền hình. Tổng hợp những yếu tố nói trên cho thấy sự phát triển của HTV là đúng định hướng, xác định mục tiêu rõ ràng và chừng mực nào đó đã tạo được thế và lực trong thời gian qua và cả chặng đường sắp tới.
Cuộc cạnh tranh của ngành truyền hình với các phương tiện truyền thông khác hay trong chính nội bộ của ngành truyền hình, dù cạnh tranh lành mạnh đi nữa vẫn không dành chỗ cho những ai yếu đuối, tự bằng lòng hoặc ngủ quên trên quá khứ vinh quang. Con đường tương lai ở phía trước chỉ chấp nhận những ai cố gắng hết mình, không ngừng học hỏi, nắm bắt công nghệ tiên tiến và nhận diện được xu hướng phát triển của truyền hình hiện đại trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay, truyền hình vẫn sẽ được xem là kênh truyền thông đại chúng chủ lực, hoạt động tích cực vì lợi ích của đông đảo nhân dân; góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị; phục vụ cho nhu cầu thông tin trong nước và thông tin đối ngoại.
Để giữ được thế chủ động trong xu thế hiện nay, các chương trình của HTV một mặt phải bảo đảm tính Đảng, tính nhân dân, mặt khác, cần đặc biệt quan tâm đến việc thường xuyên cải tiến quy trình sản xuất, xây dựng được ngày càng nhiều các sản phẩm truyền hình có hàm lượng trí tuệ, nghệ thuật và kỹ thuật cao, đa dạng, phong phú, hấp dẫn, bổ ích, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của khán giả và của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VĂN HỌC (thực hiện)
Các tin, bài viết khác
- Đội Howard & Son Fireworks (Australia) đoạt giải nhất
- Khai mạc Cuộc thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam 2015
- Hào khí Sài Gòn - TPHCM
- Nghệ sĩ TPHCM: Được sống với đam mê
- Tháng tư, nhớ mãi những ngày…
- Lịch sử chiến tranh qua ảnh
- Đại tiệc pháo hoa trên sông Hàn
- Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
- 20 giờ 20 tối nay (28-4): Thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015
- Nhà văn Trần Thanh Giao: Văn chương phải có cả nhân và nghĩa