Huyện Hóc Môn cần tập trung xét nghiệm nơi có nguy cơ cao, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng

Sáng 14-7, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn về công tác phòng chống dịch. Cùng dự có đại diện Sở Y tế, Sở Công thương.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong làm việc với UBND huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong làm việc với UBND huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG

20% doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, huyện tiếp tục thực hiện quán triệt sâu rộng đến hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn nội dung các chỉ đạo của Trung ương và TPHCM.

Sau 6 ngày thực hiện Chỉ thị 16, huyện đã thành lâp 12 tổ kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, hầu hết các hộ dân, doanh nghiệp đã đồng tình chấp hành nghiêm các quy định Chỉ thị 16 của Thủ tướng; cửa hàng không thiết yếu đã tạm dừng, các cửa hàng bán mang về cũng ngưng hoạt động.

Các Tổ kiểm tra đã nhắc nhở 363 cá nhân, 17 trường hợp lập cam kết, lập biên bản 9 trường hợp, ra quyết định xử phạt 59 trường hợp với tổng số tiền hơn 170 triệu đồng.

"Qua kiểm tra, tình hình đã có sự chuyển biến rõ rệt, người dân đã chấp hành các quy định. Các địa điểm được nhắc nhở vào thời gian trước, qua kiểm tra, không còn tái phạm, kể cả các cửa hàng tiện lợi đã bố trí, phân luồng cho khách mua hàng. Nhìn chung, tình hình khá ổn định”, ông Dương Hồng Thắng nói.

Theo ông Dương Hồng Thắng, huyện đã tổ chức đăng ký 11 điểm bán hàng bình ổn lưu động với Sở Công thương để tăng nguồn hàng hóa cung cấp cho người dân. Trong ngày 13-7, tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị lượng hàng hóa đảm bảo, giá cả các mặt hàng ổn định; lượng khách đến các siêu thị giảm 20%, đơn hàng đặt online tăng.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích đảm bảo thực hiện công tác chống dịch theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Hiện nay, 11/12 chợ truyền thống và 1 chợ đầu mối trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động, nhiều tiểu thương bán hàng qua điện thoại.

“Trên địa bàn còn 1 chợ Nhị Bình đang hoạt động với 10 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Dự kiến hôm nay sẽ tạm ngưng chợ này”, ông Dương Hồng Thắng cho hay.

Liên quan đến việc chấp hành chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM về việc tạm dừng các cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định phòng, chống dịch, ông Dương Hồng Thắng cho biết, huyện đã thông tin cho các đơn vị.

Hiện trên địa bàn, số lượng công nhân, người lao động khoảng 60.000 và 8.000 doanh nghiệp. Qua kiểm tra sơ bộ, khoảng 20% doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

“Huyện chọn một mục tiêu là sức khỏe của người dân là trên hết, tình hình hiện tại để thực hiện mục tiêu kép là rất khó”, ông Dương Hồng Thắng bày tỏ.

Kế hoạch “tác chiến” phải đồng bộ, thống nhất

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, phải tranh thủ từng ngày, tăng cường và siết chặt các biện pháp thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả. Bởi, khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội đã phải đắn đo rất nhiều.

“TPHCM gọi công việc của 15 ngày thực hiện theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 0 giờ ngày 9-7 là "chiến dịch mang tên 0907". Nói đến chiến dịch là phải có mục tiêu và mục tiêu của chúng ta là tách F0 ra khỏi cộng đồng”, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết và nhấn mạnh kế hoạch triển khai “tác chiến” này phải tiến hành hết sức đồng bộ, thống nhất từ phường, xã, thị trấn lên quận huyện và lên cấp TPHCM.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, nếu huyện có gặp khó khăn hay yêu cầu về cách ly thì liên hệ Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp; về xét nghiệm, liên hệ Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu; về lương thực, thực phẩm, liên hệ Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng hoặc Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, huyện cần tập trung xét nghiệm vào những nơi có nguy cơ cao, bóc tách toàn bộ F0, F1 ra khỏi cộng đồng với nguyên tắc “rõ - nghiêm - nhanh - chắc và hiệu quả”.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, “rõ” là xác định rõ vùng nào có nguy cơ cao; “nghiêm” là khi xét nghiệm tuân thủ chỉ thị, các quy định trong giãn cách xã hội; “nhanh” trả kết quả nhanh, không dàn ngang, không theo chỉ tiêu. Tất cả những việc đó, nếu làm chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.

Liên quan đến các khu phong tỏa, có thông tin phản ánh có nhiều người trong khu phong tỏa uống cà phê với nhau, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu huyện Hóc Môn rà soát lại, phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, cùng các đồng chí bí thư chi bộ khu phố để kiểm tra, động viên bà con giữ gìn, ngăn chặn sự lây lan giữa người nhà này và nhà khác. Cần thiết trang bị cho họ đồ bảo hộ để họ yên tâm thực hiện nhiêm vụ.

“Thực tế có trường hợp lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Thời gian qua, số ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa liên tục tăng. Cần hết sức chú ý”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh và mong muốn bà con chia sẻ với TPHCM, là đồng hành cùng TPHCM chống dịch.

Huyện Hóc Môn cần tập trung xét nghiệm nơi có nguy cơ cao, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong động viên các chiến sĩ, y bác sĩ tại điểm chốt chặn kiểm soát dịch tại "Chốt Ngã Ba Giồng". Ảnh: CAO THĂNG
Cũng trong sáng 14-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến động viên các chiến sĩ, y bác sĩ tại điểm chốt chặn kiểm soát dịch tại "Chốt Ngã Ba Giồng", trao tặng vật tư thiết bị bảo hộ và số tiền 20 triệu đồng; kiểm tra địa điểm tiếp nhận thu dung người mắc Covid-19 trên địa bàn huyện.

Không để việc tiêm vaccine  ảnh hưởng đến công tác chống dịch

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, hiện nay, đặc điểm các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM là công nhân trải khắp nơi các quận, huyện. Khi công ty phát hiện dương tính, họ đã mang mầm bệnh về gia đình, và từ gia đình quay lại việc công ty, rồi quay lại cộng đồng theo "hội chứng bóng bàn".

TPHCM đề nghị, nếu công ty nào đảm bảo vừa sản xuất vừa cách ly theo tiêu chí “3 tại chỗ” và thực hiện được theo công thức một cung đường 2 địa điểm (tức là nơi làm việc và nơi ở theo tuyến ô tô sáng đưa đi chiều đưa về), còn không phải tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp chia sẻ với TPHCM tạm thời chấp nhận một thời gian để TPHCM xem xét và sẽ có quyết định.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, sắp tới, TPHCM sẽ tiếp nhận 3 nguồn vaccine: Pfizer, Moderna, Astrazeneca. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức sẽ chủ trì và báo cáo Ban chỉ đạo kế hoạch tiêm vaccine và phổ biến đến các đồng chí về đối tượng, các mặt cụ thể tổ chức tiêm.

“Việc tiêm vaccine không làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch theo Chỉ thị 16, không lấy lực lượng hiện nay để điều qua tiêm vaccine, phải tổ chức một đội tiêm vaccine và hình thức, đối tượng tiêm như thế nào sẽ giao cho địa phương quyết định”, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý.

Tin cùng chuyên mục