Kế hoạch mua sắm thiếu chủ động

Chiều 20-10, trước tình trạng lại thiếu thuốc men, vật tư y tế và vaccine xảy ra tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Y tế để làm rõ các giải pháp trong thời gian tới.

Theo ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế, chính sách về cải cách thủ tục hành chính, cấp phép, đấu thầu để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và bệnh viện trong việc tự chủ mua sắm thuốc men, vật tư y tế. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, địa phương vẫn xảy ra hiện tượng thiếu thuốc men, vật tư y tế là do một số đơn vị, doanh nghiệp nhà thầu cung cấp còn tâm lý e ngại.

Cùng với đó, phía cơ sở y tế và địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc men, vật tư y tế do tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra”.

Làm rõ thêm về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết, cục đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc Immunoglobulin để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Tới nay, doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập về Việt Nam hơn 8.200 lọ thuốc này để cung ứng cho các bệnh viện. Dự kiến tới tháng 11 sẽ nhập tiếp 2.000 lọ thuốc Immunoglobulin về nước, và doanh nghiệp nhập khẩu đang chờ đơn đặt hàng của các đơn vị điều trị.

Đối với thuốc Phenobarbital, trong nước hiện có một doanh nghiệp sản xuất được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, và doanh nghiệp này cũng đã nhập khẩu các nguyên liệu để sản xuất loại thuốc trên nhưng vẫn đang chờ đơn đặt hàng của các đơn vị điều trị.

Cục cũng đã cấp giấy phép nhập khẩu cho 21.000 lọ thuốc Phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành ở Việt Nam, hiện số thuốc này đã được cung cấp cho một số cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu.

Cục Quản lý Dược đã nhận được đề nghị của một số đơn vị về nhập khẩu thuốc Barbit dạng tiêm. Cục đang hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để nhập khẩu loại thuốc này.

“Thực tế cho thấy nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh”, ông Lê Việt Dũng thông tin.

Tin cùng chuyên mục