Kênh bán hàng truyền thống vẫn duy trì sức hút

Dù các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhưng theo giới kinh doanh, kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống trị nhất định trên thị trường, bởi thị hiếu của người tiêu dùng Việt vẫn còn thích được cầm, nắm hoặc trải nghiệm thực tế các sản phẩm. 
Mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm 98% doanh thu toàn ngành bán lẻ tại Việt Nam
Mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm 98% doanh thu toàn ngành bán lẻ tại Việt Nam

Trong khảo sát của Vietnam Report được công bố mới đây, có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Đây được cho là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng gia nhập vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi (tăng gấp đôi so với 2 năm trước), hơn 8.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ. Dự kiến quý 4-2019 và trong cả năm 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước.

Thực tế, nhà bán lẻ hiện đại của Việt Nam là Saigon Co.op từ đầu năm tới nay cũng liên tục mở thêm siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người Việt. Tới nay, Saigon Co.op đang có tổng cộng hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ trên cả nước với hơn một triệu lượt khách hàng tham quan mua sắm mỗi ngày. 

Riêng với hệ thống siêu thị Co.opmart, mới đây nhà bán lẻ này đã đưa thêm 3 siêu thị mới vào hoạt động thông qua việc “thay áo” cho 3 siêu thị Auchan tại Hà Nội, nâng tổng số siêu thị Co.opmart lên 116. Hay với hệ thống Co.op Food, trong tháng 9 vừa qua, Saigon Co.op cũng liên tiếp đưa vào hoạt động 4 cửa hàng tại nhiều địa phương - nâng tổng số cửa hàng Co.op Food lên 400 trên toàn quốc.

Không dừng lại đó, ngày 14-10, Saigon Co.op đã tiến hành ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Đông Sài Gòn (DSG) để tiếp tục phát triển thêm một trung tâm thương mại Sense City tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TPHCM), tọa lạc tại trục đường chính D2 và nằm ngay cửa ngõ tiếp giáp với khu dân cư thuộc đường Lã Xuân Oai. Dự kiến có tổng diện tích sàn trên 50.000m2, gồm một tầng hầm bãi xe, 4 tầng nổi và sẽ hoạt động vào quý 3-2020.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, trung tâm được bố trí hài hòa giữa các nhóm ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, đồ dùng gia đình, khu vui chơi giải trí, siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra và khu ẩm thực nhà hàng đa vùng miền.

Có thể nói, việc đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Sense City Đông Sài Gòn được kỳ vọng góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng thương mại, gia tăng tiện ích, nâng cao chất lượng sống cho người dân quận 9 và các quận lân cận; thiết thực triển khai định hướng của thành phố trong việc xây dựng quận 9 trở thành khu đô thị hiện đại, thông minh. Điều này cũng củng cố thêm rằng, mô hình bán lẻ truyền thống vẫn có sức thống trị nhất định trên thị trường và thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục