Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, 10 tháng đầu năm 2015 sản lượng hành khách vận chuyển được của hệ thống xe buýt TPHCM tiếp tục sụt giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Tắc đường, xe buýt chạy không đảm bảo lộ trình là nguyên nhân quan trọng được nhiều đơn vị vận tải đưa ra nhằm giải thích cho việc ngày càng có nhiều hành khách rời bỏ xe buýt.
Xe buýt đi trên làn đường dành riêng trên đường Trần Hưng Đạo trước đây Ảnh: CAO THĂNG
Đi việc quan trọng, không dám dùng xe buýt
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM - đơn vị có nhiều xe buýt hoạt động trên các tuyến từ nội thành TPHCM đi làng đại học Thủ Đức cho hay, hôm nào nhìn xe buýt trống nhiều chỗ là biết ngay hôm đó các em sinh viên có môn thi. “Vào những ngày ấy nhiều em sinh viên chọn đi xe gắn máy cho kịp giờ thi vì gần đây đi xe buýt rất dễ bị kẹt lại giữa đường”, ông Phùng Đăng Hải cho biết.
Chị Trần Hồng Liên, nhà trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM có con trai vừa trúng tuyển Đại học Quốc gia TPHCM chuyên ngành công nghệ thông tin có cơ sở đào tạo trên làng đại học Thủ Đức đặc biệt lo lắng mỗi khi con trai phải đi xe gắn máy đến trường trong mùa mưa vừa qua. Tuy nhiên, để con không trễ giờ học, đặc biệt là các giờ thi, chị đành chấp nhận chọn lựa của con. Con của chị Trần Hồng Liên trước kia rất thích đi xe buýt. Cậu thường đạp xe từ nhà ra Bến xe miền Đông, gửi xe đạp ở đây rồi đi bộ ra bến xe buýt gần đó để đi học.
Từng du học 5 năm ở Australia về, anh Nguyễn Minh H. công tác tại một công ty truyền thông có trụ sở trên đường Hai Bà Trưng rất thích đi xe buýt. Anh từng là “khách hàng thân thiết của tuyến xe buýt vòng trung tâm thành phố”. Theo anh Nguyễn Minh H., xe buýt của tuyến vòng trung tâm mới, sạch sẽ, máy lạnh chạy êm…, không có gì phải phàn nàn về chất lượng phục vụ nhưng do nhiều xe chạy không đúng giờ, liên tục thay đổi lộ trình, ảnh hưởng đến công việc nên anh đã ngưng sử dụng loại xe này.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cũng cho rằng, xe buýt hoạt động không đảm bảo lộ trình đã khiến cho nhiều hành khách không dám sử dụng xe buýt cho những công việc không thể trễ giờ.
Gỡ “nút thắt” cho xe buýt
Có nhiều tồn tại đã làm cho hệ thống xe buýt kém hấp dẫn hành khách như xe xuống cấp, thái độ phục vụ hành khách của một bộ phận tài xế, tiếp viên chưa tốt... Thế nhưng, nếu xếp thứ tự, theo nhiều đơn vị vận tải, nguyên nhân đầu tiên của vấn đề này chính là xe buýt không đảm bảo lộ trình. Đi xe buýt mà không chủ động được thời gian đi lại, thường xuyên bị chậm trễ là điều mà nhiều hành khách không chấp nhận được.
Lý giải cho nhận định nêu trên, ông Phùng Đăng Hải cho rằng, đa phần những người kinh doanh xe buýt tại TPHCM bao gồm cả những doanh nghiệp và những xã viên HTX đều có thâm niên gắn bó với ngành vận tải hàng chục năm. Họ trân trọng nghề và hiểu rằng đó là nguồn nuôi sống gia đình mình. Cách đây khoảng 5 năm, vào thời điểm hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM phát triển tốt nhất, không ít đơn vị vận tải và xã viên đã chủ động đầu tư phương tiện vận tải mới để phục vụ hành khách tốt hơn. Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đã mua 2 xe buýt 2 tầng trị giá khoảng 2 tỷ đồng/xe. Công ty Xe khách Sài Gòn, Liên hiệp HTX chủ động lắp đặt sàn lên xuống xe buýt thấp để người khuyết tật đi lại dễ dàng… Các đơn vị vận tải còn mua gần 30 xe sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường trị giá gấp rưỡi xe buýt sử dụng xăng, dầu thông thường… để phục vụ hành khách cho dù thành phố vẫn tính trợ giá cho các loại xe này tương tự xe sử dụng xăng, dầu… Hơn ai hết, các đơn vị vận tải biết phải nâng cao chất lượng phục vụ hành khách nếu muốn hoạt động lâu dài và có hiệu quả. Hiện nay nhiều xã viên không muốn đầu tư xe mới, thậm chí nhiều tài xế, tiếp viên có xu hướng “khiếm nhã” với hành khách nhiều hơn (so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng hành vi ứng xử không tốt với hành khách của tài xế, tiếp viên tăng đến gần 500 vụ - theo Sở GTVT TPHCM) ít nhiều cũng có nguyên nhân từ việc kinh doanh khó khăn. TPHCM liên tục bị ùn tắc giao thông, điều khiển xe trong môi trường ấy là một sức ép lớn đối với tài xế. Trong khi đó, thu nhập lại giảm do hành khách sụt giảm…, nhiều tài xế, tiếp viên phải tăng ca. “Do vậy, “nút thắt” quan trọng nhất hiện nay cần tháo gỡ cho hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM chính là phải xây dựng được một mạng lưới tuyến xe buýt phù hợp với các làn đường thông thoáng để xe buýt hoạt động hiệu quả”, ông Phùng Đăng Hải nói.
Các tồn tại trong chất lượng phục vụ hành khách của tài xế, tiếp viên xe buýt vẫn cần phải xử lý nhưng tất cả sẽ được xử lý dễ dàng hơn, triệt để hơn trong môi trường xe buýt có điều kiện hoạt động tốt.
Thực ra, cách đây nhiều năm, tạo làn đường ưu tiên hoặc thậm chí làn dành riêng để xe buýt có điều kiện hoạt động tốt đã được Sở Giao thông Vận tải TPHCM triển khai thực hiện và thu được kết quả rất khả quan. Vì nhiều lý do, Sở GTVT TPHCM sau đó đã phải xóa các làn đường này. Tuy nhiên, như ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định, tạo làn đường thông thoáng cho xe buýt hoạt động luôn là mong mỏi của Sở GTVT TPHCM và đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay. Do vậy, sắp tới sở sẽ nghiên cứu, dành một số làn đường ưu tiên cho xe buýt hoạt động, gỡ “nút thắt” về đường đi cho xe buýt. Tuy nhiên, do hơn 50% số lượng đường trên địa bàn TPHCM có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 7m nên Sở GTVT sẽ nghiên cứu một số tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt hoạt động.
Chưa biết Sở GTVT TPHCM sẽ thực hiện mong muốn nêu trên như thế nào nhưng rõ ràng đây là quyết định đúng đắn của sở.
Khi còn công tác trên cương vị Trưởng phòng Quản lý GTVT thuộc Sở GTVT TPHCM, ông Lê Trung Tính cùng đoàn cán bộ ngành giao thông của thành phố đã có chuyến công tác tới Colombia để học tập kinh nghiệm phát triển giao thông công cộng ở đất nước này. Một điều ở thành phố Bogota mà ông Lê Trung Tính nhớ mãi đó là quan điểm “bình đẳng trên đường đi”. Quan điểm này là: một chiếc xe buýt với hàng chục hành khách trong xe xứng đáng có một con đường rộng hơn gấp hàng chục lần so với 1 chiếc xe hơi chỉ với 1 người ngồi lái. Dựa vào quan điểm này, lãnh đạo thành phố đã xây dựng một hệ thống xe buýt mang tên TransMilenio với đường xe buýt chạy rộng gấp nhiều lần xe hơi, rất thuận tiện cho xe buýt hoạt động. Chính điều này đã đóng vai trò quyết định cho sự thành công của hệ thống giao thông công cộng ở đây. SƠN LAM (ghi) |
NGUYỄN KHOA - LƯƠNG THIỆN
Các tin, bài viết khác
- Kẹt xe trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất
- 11 tháng: Gần 8.000 người tử vong vì tai nạn giao thông
- Cấp riêng giấy phép lái xe ô tô số tự động
- Đầu tư 2 công trình kè chống sạt lở tại huyện Nhà Bè
- Jetstar Pacific mở thêm 3 đường bay nội địa mới
- Giao thông cuối năm: Nhiều giải pháp khắc phục
- Nỗ lực giảm thương vong, ùn tắc giao thông
- TPHCM quyết tâm tạo dựng hình ảnh xe buýt thân thiện
- Việc đổi mới khám sức khỏe lái xe được gia hạn đến đầu 2016
- Sử dụng hiệu quả lòng, lề đường để giảm ùn tắc giao thông