Khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo

Ngày 3-3, Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM phối hợp Báo SGGP và các đơn vị trong khối thi đua 5 tổ chức tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các Giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2030”.

Cần giải pháp để đưa các sáng kiến vào cuộc sống

Toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến, chia sẻ của các đại biểu trong thực tiễn triển khai các công trình, giải pháp tham dự giải thưởng cũng như các kiến nghị, đề xuất để công tác tuyên truyền, lan toả mạnh mẽ hơn nữa.

Tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các Giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2030” thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tọa đàm “Giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các Giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2030” thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Là đơn vị tích cực tham gia phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo của TPHCM, PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM, đánh giá các giải thưởng sáng tạo thời gian qua được TPHCM quan tâm thúc đẩy. Qua mỗi năm, chất lượng của giải thưởng sáng tạo càng được nâng lên, thu hút được nhiều giải pháp tham gia. Các giải pháp, nghiên cứu sáng tạo ngày càng chất lượng, đi vào thực chất.

Tuy nhiên, PGS.TS Dương Hoa Xô cũng nhìn nhận, thực trạng là các nghiên cứu, giải pháp sáng tạo hiện nay còn tập trung vào một số lĩnh vực. Mặc dù trên địa bàn TP có nhiều trường đại học nhưng giải pháp tham gia còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng.

Theo ông, để giải thưởng sáng tạo được phát triển sâu rộng thì công tác tuyên truyền rất quan trọng, nhưng thực tế công tác tuyên truyền thời gian quan vẫn nằm ở nội bộ, cần thúc đẩy tuyên truyền mạnh mẽ qua các kênh thông tin truyền thông. Để các giải pháp tham gia có chất lượng thì nên phát triển các cuộc thi từ dưới lên để chọn lọc. Đồng thời, phải có cơ chế khuyến khích các giải pháp sau khi đoạt giải.

PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS.TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chia sẻ về các hoạt động, phong trào thi đua sáng tạo của người trẻ Thành phố, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Ngô Minh Hải cho biết, hiện Thành đoàn đang triển khai phong trào thi đua sáng tạo với 3 nội dung, phù hợp từng lứa tuổi. Đó là phong trào sáng tạo trong học tập; sáng tạo trong lao động sản xuất và sáng tạo trong phục vụ nhân dân.

Thành đoàn TPHCM cũng có nhiều giải pháp để thúc đẩy, ươm mầm các công trình sáng tạo của thanh niên, cụ thể là hình thành và duy trì 2 vườm ươm, đã ươm mần cho nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, phát triển từ những sáng tạo của các bạn. Theo anh Ngô Minh Hải, để thu hút được sự sáng tạo của người trẻ thì phải có giải pháp để đưa các sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

“Nếu các cuộc thi năm trước nhiều đề tài sáng kiến, sáng tạo được áp dụng và minh chứng cụ thể qua thực tiễn thì năm sau sẽ có nhiều sáng tạo tham gia, ý tưởng và suy nghĩ của các bạn sẽ được phát huy và nhân rộng hơn”, anh Ngô Minh Hải khẳng định.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Anh Ngô Minh Hải cũng cho rằng cần phải có cơ chế và ngân sáng để phát huy sự sáng tạo; có cơ chế hỗ trợ người trẻ thương mại hoá sản phẩm. Cùng với đó, cần có kênh thu dung tất cả các sáng tạo của người trẻ để chắt chiu, tìm kiếm những cái mới… thì sẽ thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ.

Đồng chí Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết năm 2017, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động giải thưởng Đoàn kết sáng tạo. Năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã cho ra đời giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM, nhiều giải pháp sáng tạo đã được đưa ra để giải quyết những vấn đề thực tiễn của TP. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, thi đua sáng tạo càng được thúc đẩy, nhiều mô hình ra đời đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Để phong trào thi đua sáng tạo được lan tỏa thì công tác tuyên truyền phải sâu rộng, không chỉ tại các đơn vị, hiệp hội mà còn phải đến được các cộng đồng dân cư. Bên cạnh giải pháp khoa học công nghệ, cần phải khuyến khích các giải pháp sáng tạo để thực hiện các cuộc vận động, phong trào TP phát động như “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”… Việc này cũng sẽ giúp giải thưởng sáng tạo lan tỏa sâu rộng vào đời sống người dân.

Đồng chí Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM góp ý tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng chí Dương Thị Huyền Trâm, Trưởng Ban Phong trào, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM góp ý tại tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về vấn đề kinh phí cho các giải thưởng sáng tạo, đồng chí Dương Thị Huyền Trâm cho rằng nên nghiên cứu các nguồn lực xã hội. Theo đó với những giải pháp sáng tạo có tính ứng dụng cao, ban tổ chức giải thưởng nên làm cầu nối các giải pháp này đến được với doanh nghiệp phù hợp. Đây cũng là cách ghi nhận và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo.

Khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo

Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng; ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), khối trưởng khối thi đua 5; ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, đồng chủ trì tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM cho biết, những năm qua, TPHCM đã tích cực triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hàng năm nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất, trong đó có nhiều phong trào thi đua mang tính sáng tạo được nhân rộng đến nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, ý tưởng mới thiết thực, các công trình, giải pháp khoa học được ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực.

"Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa tận dụng hết nguồn lực, thế mạnh sẵn có và khơi dậy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố. Mặt khác, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế tri thức và xu hướng toàn cầu hóa đang đặt ra cho Thành phố nhiều thách thức, phải có các giải pháp thích hợp để từng bước xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, sáng tạo và hiện đại", ông Nguyễn Hoàng Hưng nhận định.

Các đại biểu trao đổi, góp ý bên lề tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các đại biểu trao đổi, góp ý bên lề tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông cũng khẳng định sự cần thiết phải huy động nguồn lực xã hội, phát huy khả năng sáng tạo to lớn trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân và đặc biệt là đội ngũ trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, xã hội trong và ngoài Thành phố tích cực tham gia thi đua sáng tạo. Đây cũng là giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, tinh thần của người dân, hướng đến xây dựng Thành phố phát triển theo xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông tin thêm tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hưng cho biết, thực hiện Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nội vụ đã phối hợp Sở TT-TT TPHCM, báo đài và các cơ quan liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp để thu hút các đối tượng hưởng ứng tham gia.

Trong đó, Báo SGGP tổ chức tuyên truyền 39 số với nhiều chủ đề khác nhau. Công tác tuyên truyền đặc biệt quan tâm đến lực lượng thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện tuyên truyền 3 chương trình/tuần; Đài Truyền hình TPHCM (HTV) triển khai nhiều tiết mục nhằm tuyên truyền và nhân rộng các gương điển hình về đổi mới sáng tạo.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Thành phố đã có các hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung tuyên truyền được lồng ghép vào tuyên truyền các phong trào thi đua của các ngành, các cấp gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, đã có 100% quận, huyện và TP Thủ Đức và trên 90% sở, ngành, doanh nghiệp có lực lượng lớn và đối tượng đa dạng đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Hoàng Hưng trình bày đề dẫn toạ đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Hoàng Hưng trình bày đề dẫn toạ đàm. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức phát động và xét giải thưởng hiện có của các ngành, các cấp trên địa bàn nhằm tạo sân chơi, khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo. Thông qua đó, lựa chọn các giải pháp sáng tạo đạt giải cao, tiếp tục tham gia Giải thưởng sáng tạo TPHCM tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Thành phố đã tổ chức 2 lần trao Giải thưởng sáng tạo Thành phố với 102 công trình, giải pháp trên 7 lĩnh vực. Hiện Thành phố cũng đã có kế hoạch tổ chức trao Giải thưởng sáng tạo Thành phố lần 3 trong năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM nhận xét, còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chậm triển khai kế hoạch thực hiện Đề án. Mặt khác, Đề án là một nội dung mới, nằm trong chương trình đột phá của Thành phố; nội dung Đề án liên quan đến nhiều đối tượng nhưng công tác tuyên truyền chưa được đầu tư đúng mức…

Từ đó, ông Nguyễn Hoàng Hưng gợi mở nhiều nội dung để các đại biểu cùng thảo luận và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Đề án hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án gắn với việc triển khai thực hiện Kế hoạch 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Buổi toạ đàm cũng nhằm làm rõ hơn hình thức tổ chức, triển khai phong trào thi đua sáng tạo gắn với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Tọa đàm cũng thảo luận các nội dung, tiêu chí thi đua thiết thực, phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương nhằm thu hút được tất cả các đối tượng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tích cực hưởng ứng tham gia thi đua. Cùng với đó là việc thảo luận một số nội dung, giải pháp, nhất là giải pháp tuyên truyền triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021-2030 là một trong 51 Đề án của 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ XI. Đây là một nội dung mới và chưa có tiền lệ. Vì vậy công tác tham mưu xây dựng Đề án đã trải qua nhiều công đoạn, quy trình và nhận được góp ý của nhiều lãnh đạo Thành phố, một số cơ quan, đơn vị và địa phương thuộc Thành phố.

Giải pháp sáng tạo khó tiếp cận nơi thụ hưởng

Là một trong những doanh nghiệp có công trình đạt Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ TK25 cho biết, giải thưởng đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, cũng như một số đại biểu nhìn nhận, ông Khánh cho rằng cần phải làm thương hiệu cho các phong trào thi đua, các giải thưởng sáng tạo của Thành phố. Ông cho biết, giá trị giải thưởng đối với doanh nghiệp là có nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, thậm chí các sáng kiến, sáng tạo đã đạt giải cũng rất khó tiếp cận những nơi thụ hưởng. Do đó, ông kiến nghị phải có giải pháp để thương hiệu giải thưởng đến được nhiều người hơn. Trong đó, nên kết nối với các giải thưởng thế giới hoặc các tổ chức thế giới.

Ngoài ra, cũng cần các “kiến trúc sư trưởng” để hoạch định giải thưởng thay vì làm đại trà như hiện nay. Sau giải thưởng nên có lộ trình, hành lang cụ thể cho tất cả các đơn vị tham gia. Ông nhìn nhận, hiện nay các Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, sức sống rất thấp. Ông cho rằng sau khi trao giải thưởng thì cần quan tâm đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có sự kết nối, cơ chế để hỗ trợ.

"100 doanh nghiệp sau giải thưởng thì chỉ có 2 doanh nghiệp biết làm gì với giải thưởng, còn lại sẽ loay hoay đi tìm vốn, tìm nguồn lực”, ông Khánh nhận xét.

Sáng tạo ngay từ công việc chuyên môn

Ở góc độ sinh viên tham gia các hoạt động sáng tạo và có nhiều công trình, sáng kiến, bạn Đinh Thanh Nhàn (sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) cho rằng để nghiên cứu sáng tạo thì cần có vốn, nhưng sinh viên lại không có.

Bạn Nhàn kể, sắp tới sẽ tham gia cuộc thi về robot ở Thành đoàn TPHCM và để chuẩn bị cho cuộc thi, nhiều lúc bạn phải ăn mì gói để dành tiền mua thiết bị tham gia cuộc thi.

Bên cạnh đó, phần thưởng cho các nghiên cứu hiện chưa xứng đáng với công sức bỏ ra. Có những nghiên cứu phải thực hiện cả năm, thậm chí là 4 năm đại học những giải thưởng lại chỉ để bù lỗ. Nhiều sinh viên chọn cách bán sản phẩm cho doanh nghiệp thay vì mang đi thi.

Bạn Đinh Thanh Nhàn mong muốn TPHCM sẽ có những hỗ trợ thiết thực cho sinh viên để nghiên cứu sáng tạo. Đồng thời, phải có hành lang dẫn dắt các bạn sinh viên sau các giải thưởng.

“Đi thi, cái em quan trọng nhất là bằng khen, nhưng bằng khen chỉ để đó thôi. Sáng tạo thì phải ứng dụng thực tế, chứ không phải thấy cái gì mới, cái gì hay rồi trao giải, xong rồi thôi”, sinh viên Đinh Thanh Nhàn bày tỏ.

Giám đốc VOH Lê Công Đồng cho rằng có thể làm sáng tạo ngay từ công việc chuyên môn của mình. Ông Lê Công Đồng cũng chia sẻ nhiều cách làm sáng tạo được triển khai tại VOH và thông tin, ngay từ đầu năm, 100% viên chức của VOH phải đăng ký sáng kiến, sáng tạo. Sau 2 năm tham gia sáng tạo, VOH đã có 5 giải thưởng. Ông Lê Công Đồng khẳng định, nếu người lãnh đạo quan tâm, thôi thúc, hỗ trợ thì phong trào thi đua sáng tạo nó đi ngay từ trong cơ sở, lan rộng ra và sẽ có những sản phẩm có chất lượng.

Bà Đinh Thị Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phát biểu
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Nguyễn Hoàng Hưng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trong đó, các ý kiến chủ yếu đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các công trình tham gia có hình thức, nội dung, tiêu chí cụ thể, phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị sẽ định hướng, xây dựng kế hoạch để phong trào thi đua đi vào chiều sâu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách thích hợp để tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, giải pháp; có lộ trình, quy trình thích hợp để các công trình đạt giải được ứng dụng, triển khai sâu rộng, trở thành mô hình “sống” trong sự phát triển của Thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Hưng khẳng định, ban tổ chức sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM, qua đó có những chỉ đạo thiết thực, gần gũi, sâu sắc hơn.

Ônh cũng đề nghị các đơn vị truyền thông thuộc khối 5 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đăng tải nhiều hơn về thể lệ các cuộc thi, các nội dung của giải thưởng sáng tạo, nhằm lan tỏa, thu hút nhiều đối tượng và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Tin cùng chuyên mục