Không phân bổ ngân sách cho vay, hộ nghèo phải tìm đến tín dụng đen

Ngày 3-6, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát tại 7 đơn vị về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2021-2025.

ĐB Nguyễn Văn Dũng trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh MAI HOA 

Các Sở được giám sát gồm: Xây dựng, NN-PTNT, GD-ĐT, Công thương, Y tế... Đây là những cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện giảm các chiều nghèo theo chuẩn nghèo của TPHCM.

1,5 năm chưa bố trí vốn

Tại buổi giám sát, một vấn đề được các ĐB quan tâm phân tích, đó là cho đến nay, TPHCM vẫn chưa bố trí được nguồn vốn của năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đây là nguồn tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Nguồn vốn này dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay ưu đãi để giải quyết việc làm, học nghề…

ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM cho biết, khi giám sát thực tế tại các quận huyện, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm và học nghề của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo là rất lớn, hồ sơ tồn đọng rất nhiều nhưng chưa có nguồn vốn bố trí giải ngân.

Không phân bổ ngân sách cho vay, hộ nghèo phải tìm đến tín dụng đen ảnh 2 ĐB Cao Thanh Bình cho rằng chậm bố trí vốn vay ưu đãi sẽ gây hệ lụy khó lường cho các hộ nghèo, cận nghèo nếu vướng phải tín dụng đen. Ảnh: MAI HOA

Theo ĐB, nếu UBND TPHCM không kịp thời bố trí nguồn vốn thì sẽ tác động rất lớn về mặt an sinh xã hội, có trường hợp phải tìm đến tín dụng đen dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trong khi các tỉnh thành khác đều đã bố trí được, thì TPHCM vẫn loay hoay giữa việc bố trí ngân sách chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển!

ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, cho rằng cần có sự phối hợp tốt hơn giữa Sở Tài chính và Sở KH-ĐT trong việc tham mưu UBND TPHCM trong việc bố trí nguồn vốn này.

ĐB đặt vấn đề có chăng sự đẩy qua đẩy lại, hợp tác thiếu chặt chẽ giữa hai cơ quan, khiến cho đến nay đã 1,5 năm trôi qua vẫn chưa bố trí được vốn. Để các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát chuẩn cận nghèo có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ĐB Tăng Hữu Phong đề nghị Sở Tài chính, Sở KH-ĐT phối hợp tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM nội dung này ngay trong kỳ họp HĐND TPHCM giữa năm, dự kiến diễn ra vào tháng 7.

ĐB Tăng Hữu Phong cho rằng Sở Tài chính và Sở KH-ĐT cần phối hợp nhịp nhàng hơn. Ảnh: MAI HOA

Kiến nghị hỗ trợ thêm chi phí khám chữa bệnh

Tại buổi giám sát, Sở Y tế đề xuất có chính sách hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chi phí khám chữa bệnh đối với những dịch vụ kỹ thuật, thuốc đặc trị không được Bảo hiểm y tế thanh toán. Theo Sở, hiện có một số dịch vụ kỹ thuật cao không được bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Sở Y tế chưa thanh toán được cho các cơ sở khám chữa bệnh là hơn 32 tỷ đồng do vướng mắc về tính pháp lý của Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.

Sở Y tế cũng cho biết, thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới không hiển thị mã số hộ nghèo, hộ cận nghèo nên gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, mất thêm thời gian tra cứu thông tin, hoặc bỏ sót trường hợp được hưởng chính sách.

ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, đặt vấn đề ở góc độ khác: Tại sao phải nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đi khám bệnh? Nên chăng cần nhìn nhận đây là đối tượng cần được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn, để từ đó phục vụ cho tốt.

Không phân bổ ngân sách cho vay, hộ nghèo phải tìm đến tín dụng đen ảnh 4 ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đồng tình với các kiến nghị của Sở Y tế. Ảnh: MAI HOA

ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đề nghị các ngành quan tâm đến kiến nghị của Sở Y tế. Ngoài ra, ĐB Mỹ Ngọc cũng đề nghị Sở Xây dựng, Sở NNPTNT có tiếng nói để người dân được xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác, từ đó phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư khác nếu chậm tiến độ

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, giai đoạn 2016-2020, TPHCM phát triển được hơn 1,2 triệu m2 sàn, tương đương gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách 620 căn hộ, còn lại là vốn ngoài ngân sách.

Theo ông Khiết, nhà ở xã hội khó mà phát triển theo tình hình hiện nay bởi: Thủ tục đầu tư khó hơn, vay vốn khó hơn; phải dành 20% dự án để cho thuê 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn, kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tăng mức vay ưu đãi cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa. Đồng thời có nguồn vốn vay ưu đãi lâu dài để nhà đầu tư vay phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ thời gian hoàn tất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tiến độ thực hiện hoặc bàn giao cho nhà nước để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác thực hiện dự án nếu không đảm bảo tiến độ.

Kết luận buổi giám sát, ĐB Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị các đơn vị thực hiện đúng tinh thần của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đó là quan tâm hơn đến những hộ mới thoát chuẩn cận nghèo, bên cạnh các hộ nghèo và cận nghèo.

ĐB cũng đề nghị Sở Tài chính và Sở KH-ĐT tham mưu UBND TPHCM sớm trình HĐND cân đối bố trí ngân sách cho chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ngân sách TPHCM, có thể nghiên cứu đề xuất trung ương hỗ trợ, hoặc tăng cường các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tin cùng chuyên mục