Khuyến khích sử dụng công nghệ xanh

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội; ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp (DN), mỗi người dân trong bối cảnh hiện nay. 
Hạn chế chi phí
Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6%/năm, mức sống người dân hiện đang được cải thiện đáng kể và cơ cấu kinh tế đang dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ứng dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại... thì Việt Nam vẫn đang phát triển dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và chi phí nhân công giá rẻ. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc 10%, Nhật Bản 50%.
Ông Vũ Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết hiện nay các DN Việt Nam ứng dụng công nghệ để nâng cao sản xuất bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Một phần là do chi phí cao, phần khác do DN thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ. Để khuyến khích các DN tham gia ứng dụng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, Chính phủ cần có các quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để DN có lộ trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần có các quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ; kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp; chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ; kiến nghị Nhà nước cần có quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề, hỗ trợ DN mở rộng, phát triển thị trường. Mặt khác, cũng nên thường xuyên tổ chức các triển lãm về công nghệ để DN cơ cơ hội giao lưu và hợp tác với nhau được tốt hơn. 
Khuyến khích sử dụng công nghệ xanh ảnh 1 Chế tạo khuôn mẫu bằng robot thế hệ mới giúp tạo sản phẩm  chính xác cao, tiết kiệm năng lượng, diện tích nhà xưởng tại  một công ty ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
 Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc tăng trưởng “nóng” về kinh tế và phát triển ồ ạt DN đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ của các DN nước ta hiện nay còn lạc hậu, chậm đổi mới, hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình hình đó, cùng với xu thế chung của thế giới, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều rộng và chiều sâu, hướng tới tăng trưởng xanh; trong đó DN được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi này.  
Chia sẻ về về vấn đề này, ông Lê Phước Đại, kỹ sư trưởng của khách sạn Lotte Legend Sài Gòn, cho biết: “Khách sạn rất chú trọng áp dụng công nghệ xanh, công nghệ hiện đại trong việc sử dụng điện năng. Chẳng hạn như thiết bị bơm nhiệt và lò hơi chúng tôi lắp đặt trong dự án gần đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giúp khách sạn tiết kiệm 177,111 lít DO/năm”.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú, để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường hiện nay, việc sử dụng các công nghệ hiện đại để giảm chi phí trong sản xuất không nằm ngoài mục tiêu chiến lược của nhựa Tân Phú. Thông qua Quỹ hỗ trợ của Bộ Công thương, năm 2012, công ty đã thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ bằng bóng đèn hiệu suất cao; đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị thế hệ mới, có hiệu suất cao; nâng cấp và cải tiến các máy cũ bằng việc lắp biến tần cho các động cơ có phụ tải thay đổi. Dự án này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng tiền điện/năm. Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư 3 máy ép 700T, 800T và 1.000T thủy lực dùng servo tiết kiệm điện 40% so với thế hệ máy ép thủy lực cũ. Lợi ích từ việc tiết kiệm điện của dự án này là hơn 700 triệu đồng/năm, đồng thời dự án cũng giúp tiết kiệm được hơn 3,3 tỷ đồng/năm từ việc tái sử dụng phế liệu. Dự án cũng đã giúp giảm phát thải 326,88 tấn CO2/năm, giảm lượng chất thải rắn ra môi trường 340,8 tấn/năm. 
TPHCM đang hướng đến hình ảnh một thành phố xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững. Việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng là một trong những chỉ tiêu bắt buộc của tăng trưởng xanh. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hiện nay chỉ số đổi mới công nghệ của các đơn vị trên địa bàn TPHCM còn khá khiêm tốn, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao còn thấp. Để TPHCM hướng tới một thành phố xanh với các yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững trong tương lai, cần có sự chung tay của tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp, tòa nhà, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải đến trường học, bệnh viện… trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM luôn nỗ lực tìm kiếm những công nghệ hiệu quả để tư vấn cho DN, từ đó giúp các đơn vị giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh và giảm áp lực về nguồn cung ứng năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Từ năm 2002 đến nay, TPHCM đã hỗ trợ 588 DN thuộc 24 ngành nghề khác nhau, tiết kiệm được trung bình mỗi năm 931,9 triệu kWh điện, 5,68 triệu lít dầu và giảm phát thải 600.000 tấn CO2. Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đã thực hiện thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, tiết kiệm 75,6% so với hệ thống cũ.

Tin cùng chuyên mục