Kiến nghị quy định về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên lần đầu

Chiều 19-3, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

viber_image_2024-03-19_15-41-48-987.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập nhất định khi áp dụng thi hành Luật Công chứng 2014 sau hơn 8 năm triển khai. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Phân tích về các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận thấy quy định về công chứng giấy tờ, tài liệu hợp pháp hóa lãnh sự chưa thực sự phát huy tác dụng trên thực tiễn. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề xuất dự thảo luật quy định chi tiết về điều kiện và các loại giấy tờ, tài liệu nào phải thực hiện dịch thuật hoặc không cần thực hiện dịch thuật khi công chứng. Đồng thời rà soát, đồng bộ với luật, văn bản hướng dẫn thi hành luật khác để kiện toàn và thống nhất với các quy định khác về hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Đồng thời, cho phép công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề thêm tối đa là 2 năm.

viber_image_2024-03-19_15-41-38-893.jpg
ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng với quy định trên thì chính nội tại luật đang có sự mâu thuẫn khi không đảm bảo được mục đích hoạt động công chứng phải được thực hiện một cách chính xác, đảm bảo về chất lượng và tính chuyên nghiệp về độ tuổi hành nghề của công chứng viên.

ĐB Nguyễn Thị Lệ đề xuất quy định về điều kiện công chứng viên trên 70 tuổi phải có xác nhận của tổ chức y tế về tình trạng sức khỏe, xác định khả năng minh mẫn để công chứng viên trên 70 tuổi được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực.

Góp ý thêm về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, đại diện Sở Tư pháp TPHCM dẫn chứng Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Do đó, Sở Tư Pháp kiến nghị quy định độ tuổi bổ nhiệm công chức viên lần đầu là không quá 65 tuổi và độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi.

viber_image_2024-03-19_15-41-48-537.jpg
Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về công chứng điện tử, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu việc quy định nguyên tắc khi có các điều kiện để thực hiện công chứng điện tử tại địa phương; tổ chức hành nghề công chứng có thể chọn cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, người dân có quyền chọn công chứng truyền thống hay công chứng điện tử khi thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức hành nghề công chứng muốn cung cấp dịch vụ công chứng điện tử phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và đăng ký tại Sở Tư pháp nơi hành nghề. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc chưa quy định về công chứng trực tuyến, mà tập trung vào xây dựng và phát triển mô hình công chứng trực tiếp trước.

Tin cùng chuyên mục