Kiến nghị xử phạt nặng nhà đầu tư trúng đấu giá đất “bỏ cọc”

Ngày 2-3, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân cho biết, sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan về việc đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM), viện kiến nghị UBND TPHCM các nhóm vấn đề chính cần nghiên cứu trong thời gian tới nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng. 

Cụ thể, do tính chất đặc thù của đất đai, kiến nghị các cơ quan chức năng cấp Trung ương có văn bản quy định riêng đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển dự án. Về bản chất, có thể coi đây là việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất (hình thức đấu giá dự án đầu tư).

Rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.

Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định về giá khởi điểm và tiền đặt cọc một cách phù hợp, các quy định về chế tài đối với nhà đầu tư trúng đấu giá đất nhằm hạn chế tình trạng “bỏ cọc” như trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua. Hoàn thiện pháp luật gồm Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. 

Trong khi chờ Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan, để chủ động và hạn chế thấp nhất các trường hợp bỏ cọc khi đấu giá đất thành công, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá. Trong trường hợp trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm, doanh nghiệp phải đảm bảo số tiền ký quỹ theo đúng tỷ lệ quy định.

Bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia đấu giá, năng lực lãnh đạo điều hành cũng như báo cáo tài chính có kiểm toán của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Bổ sung các biện pháp chế tài như thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở KH-ĐT về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp; không được phép tham gia đầu tư dự án trong 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc…

Việc quy định giá trần trong việc đấu giá đất không thực sự cần thiết. Nhà đầu tư tham gia hoạt động đấu giá phải tự cân nhắc khả năng và lợi nhuận khi cho giá đấu. Trúng đấu giá thực chất là giá kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, giá kỳ vọng cao sẽ gây những xáo trộn nhất định, tuy nhiên về lâu dài, thị trường sẽ tự có cơ chế điều tiết và cân bằng.

Do đó, cần phân biệt 3 loại giá đất trong các quy định pháp luật có liên quan, gồm giá đất theo tham chiếu do Nhà nước quy định, giá đất của thị trường và giá kỳ vọng của các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần có quy định chế tài đủ sức răn đe để xử lý trong trường hợp nhà đầu tư chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản.

Tin cùng chuyên mục