Thay đổi nhanh để thích ứng
Trong những chia sẻ với DN gần đây, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh The Blue Ocean, nói rằng, khi dịch xảy ra chúng ta đã thấy những thay đổi của hành vi tiêu dùng như bùng nổ giao thức ăn trực tuyến, mua sắm trực tuyến; NTD cũng ưu tiên chọn lựa các loại thực phẩm giúp họ chế biến dễ dàng và giá thành hợp lý hơn.
Đặc biệt, nhiều NTD có xu hướng chọn mua sản phẩm nội địa, địa phương vì họ cảm thấy an toàn hơn… Thực tế, chính những thay đổi này đã đặt DN thực phẩm Việt có sự chuyển hướng nhanh chóng thời gian qua. Theo đó, ngoài sử dụng số hóa trong kinh doanh, làm thương hiệu mạnh mẽ thì DN đã chú trọng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng; sản xuất các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm của NTD.
Có thể kể tới như Phúc Sinh Group, vốn trước đây xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đầu năm 2020 đã có những chiến lược nội địa hóa khá bài bản. Theo đó, DN này đã đưa ra thị trường kênh bán hàng online mới thông qua app Kphucsinh. Hay ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm, Tập đoàn Kido đạt doanh thu 8.322 tỷ đồng trong 2020, tăng 15,4% so với 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 418 tỷ đồng, tăng 47,4% so với năm 2019. Lãnh đạo Kido cho biết, trong năm qua Kido đã chủ động, linh hoạt trong việc điều tiết nguồn nguyên liệu, tối ưu hóa chi phí, nghiên cứu và nắm bắt tâm lý NTD cũng như thói quen sử dụng sản phẩm tại từng vùng miền, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh tương tác, bán hàng trực tuyến cho NTD trên nền tảng thương mại điện tử.
Tiếp tục cải tiến mô hình kinh doanh
Mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng có những thay đổi, DN Việt cần “tấn công” mạnh vào các phân khúc tiêu dùng mới. Đặc biệt, trong năm 2021, để chuyển mình nhanh hơn nữa, DN Việt cần lưu ý tận dụng tương tác trực tuyến (online), gắn kết chặt chẽ với khách hàng hơn trên nền tảng online. Trước đây, DN Việt thường dùng chiến lược giá và cung cấp thêm giá trị sản phẩm để thu hút NTD. Còn thời điểm hiện nay thì vấn đề thực sự trong chiến lược cạnh tranh của DN là trải nghiệm khách hàng, làm khách hàng hài lòng hơn đối với các sản phẩm của DN.
Hiểu được những vấn đề này, năm 2021, nhiều DN đều có những chiến lược cụ thể để chinh phục khách hàng. Chẳng hạn, Kido sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm trong ngành dầu ăn, ngành kem, ngành snacking. Vinamilk xác định chiến lược năm 2021 ngoài tập trung vào sản phẩm cốt lõi là sữa, sẽ tiếp tục thành lập liên doanh với Kido để sản xuất, phân phối kem và đồ uống không cồn dưới thương hiệu Vibev. Kido và Vinamilk dự kiến doanh thu của Vibev đạt 2.000 tỷ đồng trong năm đầu tiên.
Ở lĩnh vực bán lẻ, hiện đại hóa kênh bán lẻ truyền thống theo hướng đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online (O2O) đang là hướng đi chiến lược của nhiều DN.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã công bố Co.opmart là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam trên cơ sở đây là thương hiệu siêu thị Việt duy nhất tồn tại và phát triển ổn định liên tục 25 năm, từ 1996 đến nay. Sau 25 năm, Saigon Co.op đã nâng tổng số siêu thị Co.opmart cao hơn 128 lần so với xuất phát điểm ban đầu, song song với trên 800 cửa hàng, đại siêu thị, trung tâm thương mại trực thuộc khác. Hiện, chuỗi siêu thị Co.opmart cùng với các mô hình bán lẻ hiện đại khác của Saigon Co.op được xem là xương sống của hệ thống phân phối hàng Việt Nam nói chung, hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá nói riêng với quy mô quốc gia, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, ổn định an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay, Saigon Co.op đã triển khai hàng loạt cải tiến về không gian mua sắm, chất lượng hàng hóa và dịch vụ khách hàng. Hệ thống siêu thị Co.opmart là đại diện bán lẻ hàng tiêu dùng Việt Nam liên tục gặt hái các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, như Thương hiệu vàng TPHCM, Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Retail Asia Publishing và Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor), Top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ Việt Nam 2019 (Vietnam Report)…
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên độ mở thị trường cho DN là rất lớn. Tuy nhiên, ngoài những chủ động của DN trong chiến lược kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư tự động hóa sản xuất, số hóa phân phối thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN rất quan trọng. Cụ thể, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu bằng những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân - DN sản xuất - nhà quản lý; quy hoạch khu công nghiệp sản xuất tập trung để tạo quy trình sản xuất hoàn thiện, khép kín, mang lại giá trị cao hơn.