Làm việc từ xa - Xu thế tất yếu - Bài 2: Chủ động từ doanh nghiệp, người dân

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử và bán hàng online đã phát triển, nhưng nó càng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn các địa phương áp dụng giãn cách xã hội. Kinh tế số nói chung, trong đó thương mại điện tử và bán hàng online, đang dần làm thay đổi thói quen, hoạt động mua, bán truyền thống.
Chuyên gia Nguyễn Thị Vân (Viện Năng suất Việt Nam) làm việc với đối tác qua ứng dụng ChatWord. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chuyên gia Nguyễn Thị Vân (Viện Năng suất Việt Nam) làm việc với đối tác qua ứng dụng ChatWord. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Chạy” nhanh hơn trong đại dịch

“Alo, Nước Mắm Cá Đồng nguyên chất, không chất bảo quản từ nguồn cá sạch 100% thiên nhiên, được chọn lọc từ cá trèn, cá linh, cá sặc, cá lóc, cá chốt, cá sửu, sản xuất theo công nghệ truyền thống… Cần tìm đối tác và khai thác thương hiệu, liên hệ…”; “Mình muốn tìm nhà in bao bì nhựa cho thực phẩm, có anh chị nào trong lĩnh vực này liên hệ với mình nhé”, “Các DN Úc đang cần tìm các DN chuyên sản xuất dao, nĩa, muỗng…”. Đây là những thông tin ngắn ngọn, nhưng rất hữu dụng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên cộng đồng Viber ITPC - Kết nối doanh nghiệp với 3.456 thành viên do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) thiết lập. Ở đó, người có sản phẩm mang lên chào hàng, để lại thông tin liên hệ chi tiết, còn người cần mua chỉ cần alo là có hàng, mọi hoạt động xúc tiến, kết nối giữa các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra bình thường.

Anh Đ.V.D, giám đốc một DN chuyên sản xuất các loại thực phẩm khô cho biết, đối tác của anh Đ.V.D khá đa dạng từ cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi đến các DN xuất khẩu cũng đang đặt vấn đề tổ chức sản xuất với quy mô lớn, tiến tới xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Ngoài ITPC Kết nối doanh nghiệp, ITPC còn thành lập các nhóm cộng đồng chuyên ngành như: ITPC Kết nối y tế; ITPC Kết nối lương thực thực phẩm; ITPC - Thông báo sự kiện. Với cộng đồng Viber “ITPC Thông báo sự kiện XTTM”, mỗi ngày có hơn 3.000 DN thành viên, không chỉ ở TPHCM mà có cả tỉnh, thành phố khác nhận được thông tin các chương trình của nhiều thương vụ từ các nước, từ các hiệp hội DN nước ngoài.

Ông Hồ Hoàng Long, Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại (XTTM) của ITPC cho hay, việc kết nối chỉ đạt hiệu quả khi các DN chủ động nắm bắt thông tin, xác định đủ năng lực về sản xuất, cung cấp sản phẩm theo nhu cầu của đối tác nước ngoài, chuẩn bị đầy đủ và đúng yêu cầu về tài liệu, hàng mẫu như đại sứ quán, thương vụ đã thông tin, thông qua kết nối ITPC sẽ chuyển đến đúng địa chỉ. 

Trong đợt dịch lần thứ 4, DN đã nỗ lực cùng với sự tham gia của thương vụ tại các nước trong việc xúc tiến, kết nối trực tuyến để đưa hàng Việt ra nước ngoài, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Điển hình nhất của việc ứng dụng công nghệ để thúc đẩy kinh tế. TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM cho rằng, việc ứng dụng công nghệ chuỗi - khối (blockchain) đang là xu hướng chung giúp cơ quan quản lý, người tiêu dùng và cả đơn vị sản xuất tránh được hàng giả, đảm bảo chất lượng. Việc xuất được dữ liệu còn giúp giải quyết những bài toán vĩ mô, không phải đưa ra các chiến dịch giải cứu nông sản như trước đây. Nhiều chuyên gia có đồng quan điểm khi nhận định, xuất khẩu nông sản có một số đặc thù như cần thời gian lưu trữ, vận chuyển ngắn và cần truy xuất nguồn gốc, đo lường chất lượng rõ ràng. 

Cứu cánh cho người mua và bán

Nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh định hướng xuất khẩu và nhu cầu trong nước. Trong bối cảnh sức mua trên toàn cầu giảm mạnh thì thị trường trong nước vẫn ổn định đã tạo đà cho GDP giữ nhịp  tăng trưởng. Ở lĩnh vực bán lẻ, đại dịch đã thúc đẩy hành vi tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số và khuyến khích việc mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Những thói quen lâu năm của nhiều người đã thay đổi mạnh chỉ trong thời gian ngắn.

Chị Kim Chung, Kế toán trưởng Công ty T&T cho hay, trước đây chị có thói quen đến siêu thị để “sờ tận tay, nhìn tận mắt” những sản phẩm cần mua. Nhưng khi TPHCM thực hiện giãn cách, mọi sản phẩm tiêu dùng trong nhà đều được đặt mua online. “Tôi vẫn tin, khi nền kinh tế đã trở về trạng thái bình thường mới thì mỗi DN đều rút được bài học cho mình về thương mại điện tử. Khi đó, kinh tế số có thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam”, chị Kim Chung nói.

Tại các DN bán lẻ hàng đầu tại TPHCM như Saigon Co.op, Central Group Việt Nam, VinMart, Bách hóa Xanh, MM Mega Market… dù chưa có con số chi tiết về doanh thu bán hàng online và trực tiếp, nhưng theo thông tin mà chúng tôi có được, số lượng các đơn hàng online gia tăng không ngừng. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Tops Market, GO!, nhu cầu mua hàng online đã tăng 5 lần vào những ngày cuối tháng 5, từ tháng 6 tăng khoảng 50% so với ngày thường. Tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, số lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp giảm mạnh, thay vào đó, đơn hàng mua online tăng 3-5 lần...

Theo nhận định của Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, tiềm năng kinh tế số đã và đang được các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam khai thác tốt. Ví dụ, một DN nhỏ ở làng Vũ Đại đã rất thành công khi sử dụng Internet để bán cá kho đi khắp cả nước và ra nước ngoài. Quy mô của DN này đã tăng 100 lần mỗi năm. Facebook cũng đã giúp nhiều bà mẹ trẻ vừa nuôi con nhỏ, vừa điều hành kinh doanh dễ dàng, Internet cũng đã giúp nhiều địa phương bán nông sản tới nhiều nơi. 

Một số ý kiến cho rằng, khi tỷ lệ mắc Covid-19 giảm xuống, các hoạt động mua bán trực tiếp, bao gồm các cửa hàng truyền thống, đang dần mở cửa trở lại, thế nhưng thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, cũng như nhiều khía cạnh khác của cuộc sống trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Điều quan trọng đối với các trang thương mại điện tử là phải làm cho việc chuyển đổi giữa các kênh mua bán trở nên dễ dàng nhất đối với người tiêu dùng để sau đại dịch, họ vẫn có thể thích ứng với mua sắm trực tuyến. 

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, cần môi trường đổi mới sáng tạo để mọi người cùng làm. Đặc biệt với các tỉnh, thành cần đầu tư vào băng thông rộng, đường truyền rộng còn được quan trọng hơn là chúng ta đầu tư xây dựng một con đường lớn. Phải có dữ liệu dùng chung, thúc đẩy quản lý, trong đó các bên phải hiểu được văn hóa số thì mới thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh và bền vững. Trong quá trình áp dụng, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không thể thực hiện một cách vội vàng, nhưng cũng không thể chậm chạp sẽ đánh mất cơ hội mà cần có lộ trình triển khai phù hợp để có thể “đi tắt, đón đầu” trong nền kinh tế số.

Tiết kiệm ngân sách đáng kể
Đại dịch đã làm thay đổi cuộc sống làm việc của mọi người và thị trường văn phòng. Theo nghiên cứu, rất nhiều công ty hiện nay đang bắt đầu cân nhắc việc chuyển sang mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa. Chỉ số mô hình làm việc kết hợp mà Savills phân tích dựa vào các yếu tố tác động đến nhân viên cũng như chủ sở hữu các công ty để xem thành phố nào trên thế giới có thể chuyển đổi sang mô hình làm việc kết hợp nhanh chóng hơn. Kết quả cho thấy, hầu hết nhóm nhân viên muốn có mặt tại văn phòng ít nhất một vài lần. Còn các công ty muốn nhân viên chuyên cần, để đảm bảo việc hỗ trợ cho nhân viên mới, đồng thời thúc đẩy sáng tạo, khả năng hợp tác và năng suất lao động nói chung. Tuy nhiên, ở một số vị trí công việc, ví như trong lĩnh vực ngân hàng, sẽ tiếp tục phải làm việc tại các văn phòng truyền thống để đảm bảo chất lượng của các hoạt động kiểm soát và an ninh.

Chi phí và sự hiệu quả của văn phòng truyền thống, văn hóa doanh nghiệp, thời gian giãn cách và bản chất của việc sử dụng văn phòng là những yếu tố chính mà những người sử dụng lao động xem xét khi áp dụng hình thức làm việc kết hợp. Để đảm bảo yếu tố giãn cách, các chủ doanh nghiệp buộc phải sắp xếp lại diện tích văn phòng, với những khu vực rộng hơn, mật độ nhân viên ít hơn, chính vì thế mà việc áp dụng mô hình kết hợp sẽ giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể.

Tin cùng chuyên mục