Làn gió mới từ sách tinh gọn

Không còn xa lạ với thị trường thế giới, tuy nhiên, hình thức sách tóm tắt, sách tinh gọn (gọi chung là sách tinh gọn) đang hứa hẹn sẽ là “làn gió mới” cho thị trường xuất bản trong nước.
Sách tinh gọn cho phép độc giả bổ sung, cập nhật kiến thức ở mọi nơi. Ảnh: CHIRON DUONG - TODD
Sách tinh gọn cho phép độc giả bổ sung, cập nhật kiến thức ở mọi nơi. Ảnh: CHIRON DUONG - TODD

Xu thế và triển vọng

Sách tinh gọn có nhiều định dạng khác nhau, như: sách in truyền thống, Audiobook, Ebook, Podcast, Infographic… Thị trường sách tinh gọn điện tử trên thế giới đã có bước phát triển, với nhiều nền tảng tham gia và có doanh thu đáng kể, trong đó nổi bật là 5 nền tảng: Blinkist, GetAbstract, Instaread, Soundview, Sumizeit.com. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, song song với việc sản xuất và phát hành các loại hình xuất bản phẩm điện tử, một số đơn vị cũng tập trung khai thác hình thức sách tinh gọn.

Hiện tại, trên ứng dụng Voiz FM đang có 50 tựa sách thuộc thể loại phi hư cấu, mỗi tựa sách có thời lượng từ 20-45 phút (so với 6-10 giờ của sách bản đầy đủ). Các tựa sách này đều miễn phí cho người dùng để quảng bá cho nội dung gốc.  Ra mắt từ tháng 4-2021 là ứng dụng Sách tinh gọn, với 3 gói cơ bản: 99.000 đồng/tháng, 249.000 đồng/3 tháng và 699.000 đồng/năm. Anh Phan Văn Tùng, đồng sáng lập ứng dụng Sách tinh gọn, cho biết: “Khi tìm hiểu thị trường của thế giới với những thương hiệu lớn như Blinkist, GetAbstract…, chúng tôi nhận ra đây là thị trường rất tiềm năng, và là thị trường kiến thức nói chung dành cho những ai muốn tìm hiểu, bổ sung kiến thức nhưng lại không có nhiều thời gian”.

Theo chia sẻ của anh Phan Văn Tùng, những đơn vị làm Audiobook thông thường sẽ mua bản quyền về tổ chức dịch thuật rồi thu âm, xuất bản; còn sách tinh gọn phải tạo ra content (nội dung) tinh gọn, sau đó mới chuyển thành Audio rồi phát hành trên các nền tảng công nghệ. Sau một năm ra mắt thị trường, đến nay Sách tinh gọn đang có 85.000 lượt tải, 10.000 người đăng ký dùng thử, 11.000 người dùng hoạt động mỗi tháng.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho rằng, sách tinh gọn là xu hướng của thế giới nhưng cũng là xu hướng phát triển của ngành xuất bản. “Trước đây, có người đặt vấn đề, nếu chúng ta ra Audiobook sẽ “giết” sách giấy. Cho nên sách giấy phải ra trước, còn Audiobook là “phần thưởng” thêm cho độc giả. Nhưng bây giờ Audiobook ra trước để lắng nghe ý kiến của thị trường, sau đó mới in sách giấy. Như vậy, cả hai phiên bản đều tìm thấy thị trường của mình và thị trường ấy chỉ có mở ra chứ không mất đi”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Là khách hàng của Blinkist từ 2 năm nay, theo chị Dương Kim Tuyền (ngụ phường 12, quận Tân Bình, TPHCM), sách tinh gọn giúp người đọc nắm được nội dung tổng quát, giá trị cốt lõi. Nếu một người cần đọc nhiều để hiểu về một vấn đề nào đó, thì đọc sách tinh gọn hiệu quả hơn vì chúng ta không có nhiều thời gian để đọc quá nhiều thứ cùng một đề tài. Chưa kể, dù đọc nhiều nhưng chưa chắc chúng ta đã có khả năng chọn ra đâu là vấn đề cốt lõi nhất.

Băn khoăn bản quyền

Dù được hưởng ứng từ những đơn vị sản xuất cũng như bạn đọc, tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng đang đặt ra cho hình thức sách tinh gọn hiện nay là vấn đề bản quyền. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Văn học, sách tinh gọn là một tác phẩm phái sinh. Vấn đề về sở hữu trí tuệ giữa tác giả của tác phẩm gốc và tác giả của tác phẩm phái sinh sẽ được đặt ra như thế nào?

“Trong trường hợp các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp thực tiễn của hoạt động xuất bản, vấn đề lợi ích giữa tác giả/nhà sản xuất những cuốn sách gốc với tác giả/nhà sản xuất những cuốn sách tóm tắt sẽ được giải quyết ra sao? Bên cạnh tư duy nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như sự cạnh tranh sòng phẳng ở góc độ kinh doanh, cần tính đến đạo đức kinh doanh, lương tâm nghề nghiệp dựa trên hành xử của những người làm văn hóa”, ông Nguyễn Anh Vũ bày tỏ.

Còn theo anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM, thông thường, sản phẩm sách tinh gọn ở nước ngoài sẽ gói gọn trong thời lượng 15-30 phút/bản, tức chỉ khoảng 5% văn bản gốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều đơn vị viết lại rất nhiều ý từ tác phẩm gốc, ra thành phẩm tương đương 30-60% văn bản gốc, nhưng do chưa có quy định nên rất khó xác định đây là hành vi vi phạm bản quyền. “Cần thận trọng để tránh phương hại đến quyền lợi tác giả của tác phẩm gốc”, anh Thạch nêu ý kiến.

Về vấn đề này, anh Phan Văn Tùng thừa nhận: “Bản thân nội dung mà chúng tôi làm cũng giống như Blinkist, không lấy bất kỳ câu chữ nào trong sách mà viết lại theo cách riêng của chúng tôi. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn đặt ra là liệu nó có phải là tác phẩm phái sinh hay không?”.

Có lẽ, Cục Xuất bản cần có những quy định cụ thể về phạm vi của sách tinh gọn, về thời lượng, quy cách đặt tên…, qua đó tạo ra hành lang pháp lý cho các đơn vị sản xuất sách tinh gọn. Trong trường hợp có tranh chấp, các đơn vị làm sách sẽ có căn cứ khiếu nại bản quyền, cũng như Cục Xuất bản có căn cứ để xử phạt.

Tin cùng chuyên mục