Lao động trẻ vượt khó trong mùa dịch

Kiên trì bám trụ, xoay trở mưu sinh là những gì mà các lao động trẻ tại TPHCM đã và đang tìm đủ cách thực hiện. Nhiều bạn tâm niệm rằng, nếu chịu khó, quyết tâm, chắc chắn công việc không phụ lòng người.
Nhiều bạn trẻ chuyển tạm sang nghề giao hàng trực tuyến
Nhiều bạn trẻ chuyển tạm sang nghề giao hàng trực tuyến

Làm đủ việc

Hơn tháng nay, Nguyễn Thị Tươi (24 tuổi, thuê trọ tại Tân Thới Hiệp 21, quận 12) tranh thủ làm thêm nghề tay trái là bán rau củ quả, trái cây tươi trên fanpage cá nhân và Zalo. Mỗi ngày, Tươi tranh thủ bán hàng lúc sáng sớm hoặc chiều tối, ngay khi tan ca ở Khu công nghiệp Tân Bình. Chồng Tươi, anh Phan Hoàng (29 tuổi) mới thất nghiệp khoảng 2 tháng nay. Hoàng làm phụ hồ, thợ xây cho công trình nhỏ trên địa bàn quận 12, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn… Khu phố thuộc diện phong tỏa nên công việc của Hoàng lúc có, lúc không. “Tổng thu nhập của hai vợ chồng giờ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Những năm trước, tôi còn gửi tiền về Nam Định hỗ trợ bố mẹ nuôi 2 đứa em ăn học. Nay chỉ tạm đủ ăn và trả tiền trọ chứ không dư dả gì. Chồng tôi cũng bắt đầu chạy xe ôm công nghệ nhưng nay ngưng rồi. Cuối tháng này, chồng tôi dự tính xin làm bảo vệ cho một doanh nghiệp gần nhà trọ, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng”, Tươi tâm sự.

Hiện tại, hầu như ngành nghề nào cũng gặp khó khăn, trong đó lực lượng lao động thuộc nhóm nghề lữ hành, nhà hàng, khách sạn… khó khăn hơn. Lương Thị Ánh Nguyệt (25 tuổi, quê Hà Giang) bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch ngay khi còn là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Hà Nội. Sau đó, Nguyệt tích lũy, vay ngân hàng hùn hạp cùng bạn bè mở công ty du lịch riêng. Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 “tấn công” dữ quá, nên Nguyệt phải dẹp công ty, chuyển nghề nhiều lần, từ làm hướng dẫn viên qua quản lý nhà hàng, rồi điều hành khách sạn… Ánh Nguyệt cho biết: “Mình đã chuyển đổi nghề 5 lần, ra vào TPHCM không biết bao nhiêu lần để tìm kiếm công việc mới. Nợ ngân hàng vẫn còn, hàng tháng phải trả góp một khoản đáng kể, nhưng mình không nản. Mình vừa chuyển vào TPHCM được hơn 1 tháng nay và thử sức với vị trí nhân viên truyền thông, mức lương gần 10 triệu đồng/tháng. Tuổi trẻ mà, kiểu gì cũng xoay được”.

Không chỉ lăn xả làm thêm, chuyển đổi công việc nhằm duy trì cuộc sống, một số bạn trẻ tranh thủ thời gian giãn cách để học thêm. Phan Quốc Tuần (24 tuổi, quê Đắk Lắk), tạm trú gần chợ Ngã Ba Bầu, huyện Hóc Môn là một ví dụ. Tuần chia sẻ rằng, trước đây làm thêm cho một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn, chủ yếu làm ca đêm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhìn sang các bạn đồng nghiệp, những người có trình độ chuyên môn cao, nhận mức lương gấp 1,5-2 lần, nên bạn tranh thủ đăng ký thi tuyển để tiếp tục học ngành quản trị kinh doanh.

Kiên trì bám trụ

Trong căn phòng trọ vỏn vẹn chưa đầy 10m2 trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM), Lê Tuấn Minh 26 tuổi, quê Gia Lai, làm đầu bếp, chia sẻ đã thất nghiệp 2 tháng nay và đang hưởng hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng từ công ty. Xác định mất việc chỉ là tạm thời, nên Tuấn Minh chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, cùng một số đồng nghiệp chế biến các món ăn tại chỗ giao cho khách theo đơn đặt hàng. Nhưng công việc này cũng tạm ngưng do giãn cách xã hội. “Tôi vẫn cầm cự được dựa vào tiền tiết kiệm, nhưng nếu dịch kéo dài thêm vài tháng nữa sẽ không chịu nổi. Hy vọng dịch qua mau để những lao động như tôi sớm ổn định cuộc sống”, Tuấn Minh tâm tình.

Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhiều người trẻ cũng chia sẻ rằng, họ khao khát được trở lại cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn như sáng sớm tập thể dục gần nhà, mỗi ngày đến công ty, có thời gian gặp gỡ bạn bè để trò chuyện trực tiếp thay vì trực tuyến… Bà Ngô Thị Tuyến, 65 tuổi, ngụ tại Nguyễn Thị Đặng (quận 12), kể về cô con gái 25 tuổi: “Nó làm việc cho một doanh nghiệp lớn gần nhà. Công việc chính là chăm sóc khách hàng, nghe và trực điện thoại để phản hồi thắc mắc của đối tác trong nước cũng như quốc tế. Phải làm việc từ xa, bắt đầu từ sáng, kết thúc lại trễ. Mong rằng bọn trẻ sớm được làm việc bình thường trở lại, hưởng thụ cuộc sống của tuổi trẻ”.

Cô giáo trẻ Mai Tường Vy (24 tuổi, ngụ tại Sơn Kỳ, quận Tân Phú) nhìn nhận, giai đoạn này mọi người đều gặp khó khăn, nên có được việc làm, có thu nhập đã là may mắn. Tuy thất nghiệp khoảng 4 tháng nay, nhưng Tường Vy vẫn được trung tâm bố trí dạy tiếng Anh trực tuyến cho học viên. Nếu thời điểm bình thường, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng nay giãn cách xã hội, thu nhập còn khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, nhưng Tường Vy vẫn cảm thấy vui. Cô lạc quan: “Sau cơn mưa trời lại sáng. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Tuổi trẻ cần nỗ lực và tin tưởng vào điều tốt đẹp. Chăm chỉ làm việc thì chắc chắn sẽ có thu nhập, không lo đói”.

Điểm chung của một số bạn trẻ đang kiên trì bám trụ xoay trở trong mùa dịch ở TPHCM chính là sự lạc quan, nỗ lực làm việc. Thay vì lo lắng, họ đã lan truyền tinh thần sống vui, tích cực, động viên bản thân cũng như mọi người. Đây cũng chính là điểm sáng cần lan tỏa, thúc đẩy xã hội cùng nhau sống có trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục