Lên phương án ''rã băng'' thị trường du lịch

Chiều 4-10, UBND TPHCM phối hợp Sở Du lịch TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM tham gia tour du lịch “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM tham gia tour du lịch “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, cùng đại diện các sở ngành, doanh nghiệp… tham dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch.

Tại TPHCM, 9 tháng đầu năm 2021 không có du khách quốc tế mới đến tham quan, vui chơi; khách du lịch nội địa ước đạt 7,75 triệu lượt, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng năm 2021 đạt 39.523 tỷ đồng, giảm 31% so với 9 tháng 2020, giảm 62% so với 9 tháng năm 2019.

Ước tính, từ tháng 4 đến nay tại TPHCM có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đón khách quốc tế) đã tạm ngưng hoạt động.

Về tiến độ tiêm vaccine Covid-19 của lao động ngành du lịch TPHCM, khoảng 94% lao động hoạt động trong ngành du lịch đã tiêm mũi 1; gần 60% số lượng đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Mức độ phủ vaccine như trên là căn cứ để từng bước mở cửa lại ngành du lịch.

Nhận xét về tình hình hiện nay, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, thừa nhận, doanh nghiệp đã đuối sức, khi hoạt động du lịch gần như tê liệt. Do vậy, khi tính đến việc mở cửa, cần từng bước rà soát, thu hút nguồn nhân lực du lịch. Với những điểm đến tổ chức tour khép kín, cần phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. TPHCM cũng nên nhanh chóng cập nhật danh sách các điểm đến an toàn, khách sạn an toàn để người dân và du khách nắm thông tin. Về việc chuẩn bị đón khách quốc tế trong thời gian tới, TPHCM nên chọn lọc thị trường để có sản phẩm phù hợp.

Nhìn chung, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TPHCM đều khẳng định, đã sẵn sàng cho các kịch bản đón khách đến “vùng xanh” lúc này.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho rằng việc mở cửa căn cứ vào tình hình kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn. TPHCM có thế mạnh về du lịch MICE, nên nếu doanh nghiệp nào đảm bảo an toàn, thành phố nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp; đồng thời kiến nghị Sở Du lịch đề xuất các cơ quan chuyên trách triển khai thí điểm bảo hiểm Covid-19 để du khách cảm thấy yên tâm, an toàn.

Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel, ngành du lịch cũng cần đẩy mạnh các phương án truyền thông, quảng bá điểm đến an toàn. Nên mạnh dạn xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết “vùng xanh” giữa TPHCM với các địa phương. Sắp tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều chuyến bay đón khách, nên cơ hội cho ngành du lịch sẽ rất lớn. Tất nhiên, du khách cũng phải đáp ứng được các điều kiện của ngành y tế đưa ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng khẳng định thành phố luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Đồng thời lưu ý, các công ty du lịch nên quan tâm thu hút khách nội địa, mà trước tiên là hơn 10 triệu dân TPHCM đang nóng lòng đi du lịch hiện nay. Khi dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt hơn, TPHCM từng bước nới rộng kết nối du lịch liên quận huyện như quận 1, quận 5, huyện Củ Chi, Cần Giờ…; tiếp đến sẽ là TPHCM với các tỉnh thành thuộc “vùng xanh”. Sở Du lịch có thể phối hợp các sở ngành, doanh nghiệp từ nay đến Tết Dương lịch 2022 để có thể tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, bán hàng kích cầu du lịch… thu hút du khách, trên tinh thần đảm bảo an toàn tối đa cho người tham dự.

“Những gì tốt, thuận tiện cho doanh nghiệp TPHCM đều sẵn sàng hỗ trợ. Về việc triển khai đón khách, nên để doanh nghiệp tự quyết, căn cứ vào các tiêu chí an toàn mà các bộ ngành chuyên trách cũng như UBND TPHCM đưa ra”, đồng chí Phan Thị Thắng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục