Thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết (SXH) rơi vào giai đoạn tháng 8 - 9, nhưng năm nay, ngay từ tháng 5, số người mắc SXH đã tăng đột biến. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận trên 96.000 người mắc SXH, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2018.
Nếu như khu vực phía Nam đang “đau đầu” vì SXH tăng chóng mặt thì nhiều địa phương phía Bắc lại quay cuồng với dịch sởi, ho gà, viêm não, thủy đậu. Đáng lưu ý, dịch sởi và ho gà lại diễn ra bất thường, trái mùa khi tiết trời đang mùa hè nóng bức, ngược quy luật mọi năm là bùng phát vào mùa đông xuân.
Ngoài các yếu tố do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu tác động thì ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, điều kiện vệ sinh cá nhân kém, thực phẩm không an toàn... cũng là những nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh gia tăng bất thường.
Đáng lo hơn chính là ý thức phòng ngừa của nhiều người vẫn rất chủ quan, trong khi dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng. Thậm chí, kể cả khi dịch bệnh xảy ra, nhiều phụ huynh, hộ gia đình vẫn coi thường, bất hợp tác với cơ quan y tế và chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch.
Về phía cơ quan y tế và chính quyền địa phương, ở nhiều nơi cũng chưa thực sự quan tâm sâu sát và quyết liệt đối với công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, các chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị làm phát sinh, lây lan dịch bệnh lại rất hạn chế.
Để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, ngành y tế cần tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên, đảm bảo kịp thời phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các cấp chính quyền cần coi công tác chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.