Bị can này nằm trong băng nhóm lừa đảo, chuyên làm quen với những phụ nữ Việt Nam thông qua mạng xã hội hoặc các website kết bạn để lừa đảo.
Theo trình báo của người bị hại T.T.T. (ngụ quận Tân Phú), qua mạng xã hội, tháng 3-2018 bà T. kết bạn với người có nickname Hilton Kip Morgan. Sau thời gian trò chuyện, Morgan yêu cầu bà T. cho mượn tiền để đóng học phí cho con, gửi thẻ Master Card cho bà và nhiều lý do khác.
Thực hiện theo yêu cầu của bạn qua mạng, từ ngày 3-4 đến 9-5-2018, bà T. đã chuyển hơn 145 triệu đồng vào 2 tài khoản do Morgan cung cấp. Nwadike Osinanna Christopher là người mua các tài khoản ATM do người Việt Nam đứng tên mở tại ngân hàng, cung cấp cho đồng bọn dùng làm phương tiện nhận tiền của người bị hại chuyển vào.
Một nhóm đối tượng người nước ngoài lừa đảo từng bị công an triệt phá bắt giữ. Ảnh minh họa
Những trường hợp bị lừa đảo như bà T. diễn ra ngày càng nhiều trên khắp cả nước. Tháng 1-2018, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) bắt giữ Sylvester Zazy Nlemonwu (35 tuổi, quốc tịch Nigeria, cư trú tại quận 12), Lê Thị Mai Trâm (ngụ quận Bình Thạnh), Đinh Thị Thu Thủy (ngụ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can trên cùng đồng phạm lập tài khoản facebook, làm quen với nhiều phụ nữ Việt Nam, tự giới thiệu là người mang quốc tịch Mỹ, Anh, Úc… muốn đầu tư vào Việt Nam; thậm chí buông lời tán tỉnh yêu đương, vẽ ra cuộc sống bên nhau trong tương lai.
Khi đã khá thân quen, những kẻ lừa đảo hứa hẹn sẽ gửi quà có giá trị lớn và tiền cho “bạn gái”; tiếp đó cho những đối tượng nữ người Việt Nam trong băng nhóm đóng giả nhân viên hải quan hoặc nhân viên vận chuyển hàng hóa ở sân bay gọi điện thoại, yêu cầu người nhận quà đóng tiền thuế, “tiền phạt”, “tiền làm luật” vì trong gói quà có số lượng lớn ngoại tệ.
Nhiều người tưởng thật, chuyển tiền vào tài khoản theo sự chỉ định, đến khi không nhận được hàng, quà thì mới biết bị lừa đảo. Với phương thức trên, băng nhóm này thực hiện trót lọt 19 vụ lừa đảo tại các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai, Hà Tĩnh và TPHCM, với số tiền lên đến 9 tỷ đồng.
Điều đáng nói là cơ quan công an và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần thông tin về phương thức lừa đảo này nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.
Tại cơ quan điều tra, những người bị hại cho biết sở dĩ đồng ý chuyển tiền là vì tin tưởng người bạn quen qua mạng xã hội, dù đôi bên chưa một lần gặp mặt!
Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự không được nhắc tới chính là hầu hết người bị hại trông chờ vào món quà từ trên trời rơi xuống; và họ sẵn sàng bỏ tiền đóng thuế, đóng phạt để nhận được quà có giá trị lớn hơn.
Sau khi chuyển khoản một ít tiền, người bị hại được yêu cầu đóng thêm tiền vì việc chuyển món quà đang bị trục trặc ở khâu này khâu khác. Đã lỡ phóng lao nên phải theo lao, họ tiếp tục nộp tiền với niềm hy vọng giá trị quà tặng sẽ “bù” lại những gì đã bỏ ra.
Dĩ nhiên, món quà “ảo” không bao giờ xuất hiện, còn tiền thật thì vỗ cánh bay theo “người tình phương xa”. Chính lòng tham đã khiến họ trở thành “con mồi” của các băng nhóm lừa đảo. Nếu họ suy nghĩ thấu đáo hơn, hiểu rằng không gì tự nhiên mà có được, nhất là lợi ích đến từ những người xa lạ, thì đã không tự biến mình thành người bị hại.