Với mong muốn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để mỗi người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời giúp các địa phương trong việc triển khai thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của quy định tại Khoản 5, Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này.
Để người dân có thêm thông tin đầy đủ về Thông tư số 33 cùng với việc áp dụng Thông tư trong thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp một số thông tin nhằm giải đáp một số ý kiến băn khoăn của dư luận và vướng mắc có thể phát sinh khi áp dụng Thông tư 33.
Cụ thể, trước việc nhiều người dân và dư luận hiểu nhầm quy định về tên các thành viên trong sổ hộ khẩu và các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên thực tế đối tượng áp dụng của quy định này chỉ điều chỉnh cho chủ thể sử dụng đất là “hộ gia đình” mà các thành viên có chung quyền sử dụng đất; các trường hợp khác như quyền sử dụng đất của cá nhân, của vợ và chồng, dòng họ… thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành (Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT).
Mặt khác, quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật cách ghi tên của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận nằm trong thủ tục đăng ký lần đầu hoặc đăng ký biến động đã và đang áp dụng theo Bộ thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc áp dụng Thông tư 33 không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào.
Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp tại thời điểm trước đây theo quy định của pháp luật về đất đai vẫn có giá trị pháp lý, người sử dụng đất không cần phải thực hiện thủ tục cấp đổi. Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT không quy định việc phải cấp đổi này như lo ngại của dư luận.