Miền Trung: Chịu cơn lũ thứ 5

Miền Trung: Chịu cơn lũ thứ 5

* Xuất hiện áp thấp ở biển Đông

Trong khi đợt lũ từ ngày 24 đến 26-10 đang rút chậm thì bất ngờ từ ngày 27 đến chiều tối ngày 28-10, từ các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to đến rất to làm cho lũ trên các sông ở miền Trung lên nhanh. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong đêm 28 và ngày 29-10, khu vực từ Nghệ An đến đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi có khả năng lên BĐ2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông từ Nghệ An đến Quảng Trị và Quảng Nam lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.

Miền Trung: Chịu cơn lũ thứ 5 ảnh 1

Tỉnh lộ 4B bị ngập cục bộ khiến người và xe phải di chuyển bằng thuyền trên đường. Ảnh: VĂN THẮNG

Như vậy, trong vòng hơn nửa tháng, miền Trung liên tiếp phải gánh chịu đến 5 đợt lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đặc biệt, do liên tiếp chịu mưa lũ, nên hệ thống giao thông ở miền Trung, đặc biệt là giao thông lên các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, chia cắt nhiều vùng.

* Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện có một vùng áp thấp ở ngoài khơi Thái Bình Dương đang di chuyển về hướng biển Đông và trong 1-2 ngày tới, vùng áp thấp này có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển theo hướng Tây vào khu vực Nam biển Đông. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, ở phía nam biển Đông, bao gồm cả biển Tây và vùng biển các tỉnh Trung bộ có mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh trên cấp 6.

Trước nguy cơ xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mới, nhiều khả năng các tỉnh miền núi phía Bắc có thể xảy ra mưa lớn trong nhiều ngày, dẫn đến lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, người dân và chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để lên kế hoạch đề phòng.

Hiện nay, ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh hình thành, nhiều khả năng cuối tuần này (31-10) sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi phía Bắc và đi sâu hơn. 

NG.HÙNG - T.T.X 

* Thừa Thiên - Huế: Rạng sáng 28-10, hai đợt dông lốc dữ dội xảy ra liên tiếp tại địa bàn xã Phú Đa (huyện Phú Vang) đã làm 4 phòng học và phòng chức năng của Trường Tiểu học Phú Đa I, 13 ngôi nhà dân, 1 nhà mẫu giáo bị cuốn bay mái gần như hoàn toàn; hàng trăm cây cối, trụ điện nhỏ bị gãy đổ, không có thiệt hại về người. Gần 200 học sinh tiểu học và mẫu giáo tại Phú Đa đã phải nghỉ học. Mưa cộng với lũ đầu nguồn dồn dập đổ về nên các tuyến đường 4B, 8A, 8B, QL 49B… qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền bị ngập sâu từ 0,3-0,6m.

* Quảng Trị:
Cả ngày 28-10, đặc biệt là lúc cuối giờ chiều trên địa bàn xảy ra mưa lớn khiến lũ trên các triền sông đều ở mức báo động 1, riêng sông Ô Lâu và Thác Ma qua huyện Hải Lăng đã xấp xỉ mức báo động 2. Để đối phó, UBND tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai phương án đối phó với mưa lũ, trong đó các địa phương được phép linh hoạt trong công tác chỉ đạo di dời đối với những hộ dân nằm trong vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất khi xảy ra tình huống xấu. Rạng sáng 29-10, lũ trên các triền sông trên địa bàn đều lên mức báo động 2.

* Quảng Nam:
Mấy ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài tại huyện núi cao Tây Giang đã làm mực nước trong hồ chứa thủy điện A Vương dâng cao, ngấm vào vách núi chung quanh gây nên hiện tượng sụt lún, sạt lở một số điểm. Điều đáng lo là trên vách núi này là khu tái định cư của người dân thôn ALua và là nơi 76 học sinh Tây Giang đang theo học tại Trường THCS xã Dang. Được biết, hồ chứa nước A Vương có sức chứa đến 400 triệu m³, nếu bị sạt lở thì hậu họa khôn lường. Mưa cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường ở huyện Tây Giang với khối lượng đất đá sạt lở lên đến 15.000m³. Mưa lũ đã làm bà Hồ Thị Ây (SN 1948) thiệt mạng khi ngang qua suối bị lũ cuốn trôi. UBND huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 1,5 triệu đồng và 50 kg gạo.

* Quảng Ngãi:
Ngày 28-10, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ 622B tại địa phận huyện Tây Trà. Ngoài ra tuyến đường huyện về các xã có 6 tuyến sạt lở, khối lượng ước tính trên 9.000m³ đất đá, các tuyến đường này hiện nay xe ôtô không thể qua lại được. Đến thời điểm này 152 hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được các xã xây dựng phương án lánh nạn để tránh núi lở.

Trưa ngày 27-10 tại xóm Phương Lý Tây, thôn An Đại 2, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa nước lũ cuốn trôi cháu Võ Tấn Lộc 17 tháng tuổi. Cháu Lộc là con đầu lòng của vợ chồng anh Võ Văn Tiện và chị Nguyễn Thị Màu. Do lũ lên đột ngột, chị Màu đem con gởi nhà hàng xóm để dọn đồ đạc trong nhà nhưng người hàng xóm bất cẩn để cháu Lộc rơi xuống mương nước trước nhà mà không hay biết. Mãi đến 1 tiếng đồng hồ sau mới phát hiện khi cháu Lộc bị nước cuốn trôi cách đó 500m.

* Đường Hồ Chí Minh:
Ngày 28-10, Ban quản lý Khu đường bộ V (đóng tại Đà Nẵng) cho biết: Do mưa lớn kéo dài trên diện rộng nên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam bị hư hại nặng. Đã có ít nhất 9 cầu, cống bị sạt lở, tắc hoàn toàn khiến nước không có đường thoát, chảy tràn gây xói lở tường cánh, mái ốp taluy. Ngoài ra, có trên 100 điểm sạt lở dọc theo tuyến đường.

* Thông tin liên quan:

- Miền Trung lũ lại lên

Tin cùng chuyên mục