Mòn mỏi chờ tái định cư

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài gần 52km do Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 30-4. Tuy nhiên, khu tái định cư (TĐC) cho người dân có đất bị thu hồi để làm đường cao tốc vẫn chưa xong khiến người dân mòn mỏi chờ đợi.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để làm đường cao tốc vẫn chưa xong
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để làm đường cao tốc vẫn chưa xong

Khu TĐC ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) diện tích gần 9,5ha gồm đất ở, đường giao thông, vỉa hè, khu xử lý nước thải và các hạ tầng kỹ thuật khác có mức đầu tư hơn 271 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2020-2022. Khi hoàn thành có 250 lô nhà liền kề, diện tích mỗi lô hơn 200m2; trong đó, hơn 160 hộ có đất bị thu hồi làm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, 40 hộ sống tại chỗ nhường đất làm khu TĐC. Nhưng đến nay, công trường thi công khu TĐC chỉ lác đác vài công nhân, máy móc và trang thiết bị ngừng hoạt động, một số vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, nhiều hạng mục án binh bất động.

Hiện có nhiều hộ dân diện TĐC thuộc các xã Suối Cát, Xuân Tâm, Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc) nhường đất làm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết phải đi ở trọ, ở nhờ nhà người thân. Nhiều hộ gia đình đã bàn giao hàng ngàn mét vuông đất cho Nhà nước làm dự án nhưng 3 năm nay chưa biết lô đất TĐC ra sao, gia đình phải thuê nhà trọ. Trong khi đáng lý ra, trước khi thu hồi đất, địa phương phải chuẩn bị sẵn quỹ đất TĐC để người dân di dời đến nơi ở mới. Hiện, khu TĐC vẫn còn khoảng 10 hộ dân không đồng ý giá bồi thường nên chủ đầu tư chưa có mặt bằng để triển khai thi công các hạng mục của dự án. Ông Trần Bước, một người dân chưa đồng ý bàn giao đất, cho biết, gia đình có khoảng 1.000m2 bị thu hồi nhưng chỉ được áp giá đền bù hơn 1,7 tỷ đồng nên đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại giá bồi thường cho hợp lý.

Theo UBND huyện Xuân Lộc, khu TĐC đang chậm tiến độ vì quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, quy trình, định giá đất nên phải điều chỉnh cho đúng quy định pháp luật. Cán bộ chuyên môn phụ trách mảng đất đai còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc thu hồi đất chậm, kéo theo toàn dự án chậm nên huyện Xuân Lộc đang chủ động tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện rà soát, củng cố hồ sơ để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục