Mong ngắm thành phố rực rỡ 2 bên bờ sông

TPHCM đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020-2045” với nhiều nguyên tắc trong việc lập, quản lý quy hoạch ven sông.
Hoạt động đua thuyền diễn ra trên sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hoạt động đua thuyền diễn ra trên sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Đi trên sông, thú vị nhất là được ngắm cảnh 2 bên bờ, được cảm nhận làn gió thơm mát lùa vào mái tóc. Đặc biệt, vào ban đêm, ánh đèn từ các công trình kiến trúc dọc bờ sông, rất dễ đánh thức những cảm xúc ngọt ngào nhất của du khách, ấy vậy mà sông Sài Gòn chỉ đẹp được một đoạn ngắn gần trung tâm thành phố, ngược về phía huyện Củ Chi gần như chưa có gì có thể ngắm…”, lãnh đạo một đơn vị du lịch đã chia sẻ như vậy tại hội thảo về phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM, được tổ chức mới đây.

Không phải ngẫu nhiên, cách nay 10 năm, thành phố đã lập đồ án quy hoạch 10 phân khu dọc sông Sài Gòn (phần hướng về huyện Củ Chi). Bởi lẽ như chính Sở QH-KT TPHCM đánh giá: “Mặt tiền sông êm đềm với chiều dài khoảng 44km, một mặt giáp TPHCM, mặt kia giáp với TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), dự kiến phát triển thành đô thị vệ tinh của TPHCM (tầm nhìn trong quy hoạch vùng TPHCM). Như vậy, 2 bên bờ sông, dự kiến sẽ rất sầm uất. Ngoài ra, còn có tiềm năng phát triển du lịch nhờ di tích Địa đạo Củ Chi lừng danh lịch sử, quỹ đất còn nhiều”. Thế nhưng, thực tế lại đang diễn ra đúng như lãnh đạo doanh nghiệp du lịch nêu trên đánh giá… tất cả gần như chưa có gì. Dọc sông Sài Gòn hướng về huyện Củ Chi vẫn chủ yếu là những khu đất, vườn cây thưa thớt…

Trong khi đó, theo đồ án quy hoạch 10 phân khu, nơi đây sẽ hình thành một khu vực du lịch hấp dẫn, với cảnh quan đẹp, phát triển thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, rất yên tĩnh phục vụ cho du khách.

TPHCM đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020-2045” với nhiều nguyên tắc trong việc lập, quản lý quy hoạch ven sông. Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TPHCM, đây sẽ là cơ hội để rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại quy hoạch 10 phân khu nếu cần để “đánh thức” tiềm năng du lịch của sông Sài Gòn. “Sau khi rà soát và điều chỉnh quy hoạch, nên lập kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, hạ tầng du lịch, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực này” ông Thụ nêu ý kiến.

10 năm qua, hướng về Tây Bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn) không phải là hướng phát triển đô thị chính của TPHCM nên bờ dọc sông Sài Gòn ở đây chưa được ưu tiên đầu tư, cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu muốn phát triển du lịch đường thủy mạnh mẽ trong thời gian tới, TPHCM không thể không quan tâm tới khu vực này, bởi lẽ như nhiều chuyên gia về đường thủy đánh giá, sông Sài Gòn đoạn hướng về huyện Củ Chi có tiềm năng phát triển du lịch đường thủy lớn vào loại bậc nhất của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục